CPTPP mở ra nhiều cơ hội lớn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/3, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết tại Chile và được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là các lợi ích được đến từ quá trình thúc đẩy cải cách thể chế. Hiệp định CPTPP tạo thúc ép rất lớn về cạnh tranh cho cả DN lẫn nền kinh tế, là điều kiện để Việt Nam có tăng trưởng bền vững hơn.

Tự do hóa thương mại, đầu tư

Không có sự tham gia của Mỹ, hiệp định CPTPP vẫn được coi là hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, những cam kết về mở cửa thị trường vẫn được giữ nguyên.
 Sản xuất thép tấm. Ảnh minh họa.
CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DN Nhà nước. Riêng về mở cửa thị trường, CPTPP kế thừa toàn bộ cam kết mở cửa thị trường, đầu tư, mua sắm công. Do đó, về cơ bản 100% dòng thuế với tất cả hàng hóa của các nước thành viên sẽ về 0%. “Đây có thể nói là kết quả đáng mừng, đáng kỳ vọng vì trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ, dân túy, dân tộc cực đoan đang trỗi dậy đang làm chậm lại tiến trình liên kết, hội nhập và tự do hóa thương mại, đầu tư…” - TS Võ Trí Thành nhận xét. Ông Thành cũng nhận định, CPTPP sẽ tác động tích cực đối với hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam.

Nhiều ngành hàng được lợi

Thông tin về việc CPTPP được ký đã mang lại nhiều hy vọng cho các DN xuất khẩu của Việt Nam. Trong một nghiên cứu mới đây, nhiều chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhận định, những ngành được dự báo tăng trưởng lớn khi Việt Nam tham gia hiệp định này là thực phẩm, đồ uống, dệt may, hóa chất, thuốc lá, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác. Xuất khẩu dự kiến tăng 4,2 - 5,3%, năng suất tăng 6,9 - 7,6%...

Khi CPTPP có hiệu lực, Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này (khoảng hơn 10 tỉ USD). Đặc biệt, nhiều mặt hàng thủy sản, thực phẩm chế biến không được ưu tiên xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam - Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong CPTPP. “Đây rõ ràng là cơ hội lớn, lợi thế khi Nhật là nước có dung lượng thị trường lớn, giá cao. Hoặc các mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh, thủy sản cũng có cơ hội như vậy dù lộ trình giảm thuế dài hơn”- ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đánh giá.

Nhiều DN trong ngành xuất khẩu nông sản cũng kỳ vọng vào thị trường Mexico. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Mexico sẽ xóa bỏ ngay lập tức 77% dòng thuế, chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu (khoảng 282 triệu USD) của Việt Nam sang nước này, trong đó có các mặt hàng gạo lứt và gạo tấm; giảm 50% thuế với cà phê nhập từ Việt Nam vào năm thứ 5... Thuế nhập khẩu hàng công nghiệp nhập từ Việt Nam cũng được đưa về 0%, thậm chí có nước dành cho Việt Nam mức thuế 0% đối với trên 90% như Canada, Nhật Bản. Ở những lĩnh vực như thủy sản, dệt may, giày dép... đều đạt được thỏa thuận chất lượng cao. Ngoài ra là cơ hội khai thác thị trường mới như Canada, Mexico, Peru...

Cải cách thể chế, đặc biệt quan tâm DNNVV

Ngoài lợi ích trước mắt là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn. Hiệp định CPTPP được đánh giá sẽ là động lực để các DN của các nước thành viên đẩy mạnh cải cách, tăng khả năng cạnh tranh trong sản xuất và xuất khẩu. Đơn cử đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản các DN phải đảm bảo về ATTP, hoặc DN phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ… “DN cần nhìn nhận trước để ứng phó, vượt qua. Tất nhiên, sẽ luôn có sự đồng hành của cơ quan Nhà nước”- TS Võ Trí Thành nhận xét. Cũng theo ông Võ Trí Thành, để hội nhập được bắt buộc thể chế cũng phải chuyển biến kể cả trong quan điểm, cũng như vấn đề pháp lý, hành chính. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn cao liên quan vấn đề thể chế sẽ giúp nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, khuôn khổ pháp luật, tính cạnh tranh, môi trường đầu tư, kinh doanh…

Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất khi tham gia CPTPP là Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn để trở thành nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Cần đặc biệt ưu tiên cho đối tượng DN nhỏ và vừa, khi hiệp định đặt ra thách thức cho đối tượng này nhiều nhất. Cần có sự giúp đỡ của Nhà nước trong thông tin, xúc tiến thương mại để họ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Thách thức xu hướng hiện nay một số khu vực thế giới đang bảo hộ cao hơn nên phần nào ảnh hưởng các nước tham gia CPTPP, dù các nước cố gắng hình thành... không loại trừ xu hướng sử dụng rào cản kỹ thuật tăng lên. 

Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái
 Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại - Trưởng đoàn đàm phán WTO Lương Văn Tự

Việc ký kết CPTPP là một khung pháp lý để vận hành một nền kinh tế hiện đại và bộ quy tắc chi tiết để điều tiết,dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam vào một sân chơi bình đẳng với các nước phát triển. Đối với Việt Nam, CPTPP tạo ra áp lực, cơ hội quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế theo hướng hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại - Trưởng đoàn đàm phán WTO Lương Văn Tự

Một số nước trong CPTPP là thị trường nhập khẩu lớn thép thành phẩm. Các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ sẽ giúp các DN ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, nhiều nước trong khối này có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, than cốc… giúp Việt Nam dễ dàng nhập khẩu nguyên vật liệu, công nghệ, thiết bị để hiện đại hoá và nâng cao sức cạnh tranh của các DN ngành thép.

CPTPP cũng tác động tiêu cực cho các DN ngành thép trong nước, mặc dù tác động này là không lớn. Nếu có ảnh hưởng thì lĩnh vực thép xây dựng sẽ chịu tác động mạnh hơn cả. Còn với mặt hàng tôn mạ là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm qua nên cơ hội cho ngành sẽ lớn hơn. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa

Gia nhập CPTPP, Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi, mà ở ngành cơ khí thì Việt Nam bị xem là yếu thế hơn. Khó khăn, tác động tiêu cực sẽ là nhiều hơn do sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước. Dự báo, ngành cơ khí Việt Nam sẽ đi theo 2 hướng, một là tiếp tục việc làm gia công cho các nước phát triển, hai là kết hợp với các nước để tận dụng công nghệ, quản lý và thị trường để tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Điều này phụ thuộc nhiều vào ý chí, định hướng phát triển của Chính phủ và sự thực hiện của các bộ, ngành, cộng đồng DN.

Tổng Thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long

Khắc Kiên - Hoài Nam ghi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần