Theo đó, từ năm 2018-2021, rất nhiều hộ gia đình mua nhà, chuyển về tòa chung cư trên với mong muốn cho con học các trường ở Cầu Giấy. Khi trong hợp đồng mua bán nhà, địa chỉ tòa nhà ghi 23 Duy Tân, Cầu Giấy nhưng khi đi đăng ký tạm trú, các hộ dân mới ngã ngửa khi địa chỉ thưc tế của tòa nhà lại thuộc Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nguyên nhân là do tòa nhà nằm ở khu giáp ranh giữa 2 quận cầu Giấy và Nam Từ Liêm; mốc giới hành chính thuộc quản lý của quận Nam Từ Liêm. Theo đúng tuyến quy định, con em cư dân của tòa nhà phải học các trường thuộc quận Nam Từ Liêm.
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với phường và được biết, việc quản lý nhân khẩu và hành chính của tòa nhà thuộc quận Nam Từ Liêm. Cư dân ở đây thì mong con được học ở quận Cầu Giấy. Không chỉ riêng tòa nhà này mà những năm trước có những tòa nhà giáp ranh giữa Tây Hồ và Cầy Giấy cũng đều có nguyện vọng học tại các trường thuộc quận Cầu Giấy”.
Ông Ngọc Anh cho hay, quan điểm của phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy là sẽ cho người xuống địa bàn khảo sát tình hình thực tế. Trong trường hợp có đủ trường lớp và thuận tiện đi lại, phòng GD&ĐT Cầu Giấy sẽ làm việc với quận Nam Từ Liêm xem xét tiếp nhận học sinh còn trường hợp học sinh phải đi quá xa thì phía quận Cầu Giấy cũng sẽ tạo điều kiện để tiếp nhận một số trường hợp đặc biệt, tuy nhiên không thể tiếp nhận tất cả”.
“Thông thường, người dân ở khu vực giáp ranh thường có nguyện vọng cho con học ở Cầu Giấy. Do đó, phòng phải để các trường tiếp nhận đủ hết học sinh đúng tuyến rồi mới xem xét tiếp nhận học sinh ở vùng lân cận", ông Ngọc Anh nói.
Về vấn đề trên, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT Cầu Giấy và Nam Từ Liêm tham mưu UBND 2 quận để kiểm tra kỹ tình hình thực tế ở khu vực trên.
Việc này trước hết thuộc thẩm quyền giải quyết của phía UBND các quận, các phòng GD&ĐT có trách nhiệm tham mưu. Hiện nay, địa phương đang phải điều tra số học sinh, số trẻ để thống kê số lượng một cách chi tiết. Phòng GD&ĐT Cầu Giấy xem xét điều kiện cơ sở vất chất, đội ngũ giáo viên của các trường tại vùng giáp ranh, nghiên cứu để dự kiến xem đáp ứng được không. Nếu điều kiện đáp ứng được, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy cần đề xuất với UBND quận Cầu Giấy để tiếp nhận bổ sung học sinh khu vực giáp ranh như cách quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm làm trước đây”, ông Toản nói.
Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định: “Cần tạo điều kiện cho Nhân dân. Nếu quận Cầu Giấy có điều kiện thì tiếp nhận các em. Nếu không có điều kiện, trao đổi với quận Nam Từ Liêm để quận tạo điều cho học sinh. Ngành GD&ĐT Hà Nội phải theo quy hoạch xây dựng chung cư, việc phân tuyến rất vất vả. Làm gì có lợi ích nhất cho dân thì chúng ta làm và cần xem xét để giải quyết việc phân tuyến hợp lý.