Cử tri đánh giá phiên chất vấn đổi mới và hiệu quả

Thủy Tiên-Hồng Thái-Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/11, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với rất nhiều nội dung, bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời. Nhận định về phiên chất vấn, cử tri Hà Nội đồng tình và đánh giá cao những đổi mới trong điều hành, hỏi - đáp hiệu quả ở phiên chất vấn.

Ông Nguyễn Ngọc Sắt (Phó Chủ tịch Thường trực MTTQ Việt Nam phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm)
Ông Nguyễn Ngọc Sắt (Phó Chủ tịch Thường trực MTTQ Việt Nam phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm): Tư duy mới trong công tác quản lý thông tin
Tôi cho rằng phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng thể hiện một tư duy mới trong quản lý thông tin xấu trên mạng xã hội cũng như vấn đề SIM rác. Dù là tân Bộ trưởng, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng đã nắm chắc và trả lời rõ 2 vấn đề đang gây ra nhiều bức xúc, được người dân quan tâm.

Đây là 2 vấn đề gây ra nhiều nghi ngờ trong dư luận Nhân dân bấy lâu nay về trình độ cũng như khả năng quản lý của cơ quan nhà nước. Bộ trưởng đã nhận thức đúng về việc không thể bỏ trống “trận địa” mạng xã hội. Đồng thời, chỉ ra được những giải pháp căn cơ như: Xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư để xử lý SIM rác, có “công cụ quét rác” trên mạng xã hội và yêu cầu các nhà mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam…Tôi ủng hộ và cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có những ý tưởng mới. Đồng thời, mong rằng, những giải pháp mà tân Bộ trưởng đề ra sẽ sớm được thực hiện có hiệu quả, góp phần tăng niềm tin của người dân vào bộ máy quản lý Nhà nước.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng nên học hỏi các nước đã có kinh nghiệm quản lý trong công tác thông tin để ban hành quy chế phù hợp. Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác tuyên truyền để nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, hướng dư luận vào những thông tin đúng, tránh tình trạng không quản được thì cấm. Chúng ta cần “uốn nắn dòng chảy” chứ không nên và cũng không thể “ngăn dòng chảy”, nhất là trong công tác thông tin, tuyên truyền. (Thủy Tiên ghi)

Bà Trần Thị Thái Hòa (Tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân)
Bà Trần Thị Thái Hòa (Tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân): Kỳ vọng vào giải pháp Bộ trưởng đã đưa ra

Bây giờ, vấn đề môi trường và bảo vệ tài nguyên là vấn đề nóng, bức xúc của toàn dân, tôi thấy yên tâm với những câu trả lời xác đáng, các giải pháp cụ thể, cách xử lý sát thực tế, triệt để của Bộ trưởng Bộ TT&MT Trần Hồng Hà.

Cử tri kỳ vọng vào cách giải quyết nhanh của Bộ TN&MT những bức xúc về đất đai, xử lý vi phạm, nhất là khai thác cát đá, sỏi bảo vệ lòng sông, về những phương án đổi mới, quản lý nông lâm trường, thuê đất có thu tiền, có chính sách hợp lý để giao đất giao rừng cho dân quản lý, tránh phá hoại…

Bộ trưởng Bộ TN&MT đã hứa hẹn sẽ xử lý triệt để trình lên chính phủ. Qua đây, cử tri chỉ mong những cuộc chất vấn trực tiếp, tranh luận của những kỳ họp sau nên dành thời gian để kiểm điểm lại những lời hứa của các Bộ trưởng kỳ họp trước. Từ đó, để xem những lời hứa đó được thực hiện và tiến triển đến đâu, như vậy, dân sẽ tin hơn. (Trần Thảo ghi)

Ông Đinh Văn Mạn (Tổ trưởng Tổ hòa giải số 4, thôn Lục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức)
Ông Đinh Văn Mạn (Tổ trưởng Tổ hòa giải số 4, thôn Lục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức): Thụ lý, kịp thời giải quyết đơn tố giác

Tôi rất quan tâm đến phần trả lời của các trưởng ngành khối tư pháp. Trong công tác phòng chống tội phạm, khi có đơn thư trình báo, tố giác tội phạm, cơ quan công an tiếp nhận phải xử lý thông tin, kịp thời giải quyết. Nếu các đơn trình báo, tố giác không giải quyết kịp thời sẽ phát sinh nhiều vấn đề, mất lòng tin của Nhân dân. Cũng như trong công tác hòa giải, theo thống kê, trên 80% vụ việc ở nông thôn xảy ra được hòa giải, dựa trên tình làng nghĩa xóm, họ hàng nội tộc, giải quyết nội bộ rất có lợi, không tốn kém kinh phí của Nhà nước. Những vụ việc dù nhỏ nhưng nếu không được giải quyết kịp thời, có thể sẽ xảy ra những mâu thuẫn lớn, giải quyết ngày càng phức tạp. Do đó, các hòa giải viên - những người “vác tù và hàng tổng” ở các thôn, xóm cần được Nhà nước, chính quyền quan tâm hơn. Hiện nay kinh phí chi cho các hòa giải viên ở thôn, xóm rất ít ỏi, chỉ 36.000 đồng/tháng, trong khi có bất kỳ vụ việc nào xảy ra trên địa bàn, các hòa giải viên đều có mặt, hội ý để kịp thời hòa giải. (Thái San ghi)

Bà Vũ Thị Dũng (Bí thư chi bộ số 5, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân)
Bà Vũ Thị Dũng (Bí thư chi bộ số 5, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân): Kỳ thi THPT quốc gia phải sát chương trình

Trong các phiên chất vấn, tôi rất quan tâm các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, những vấn đề sát sườn với đời sống của Nhân dân, con em chúng tôi. Cử tri rất quan tới ngành GD&ĐT, trong đó, đối với kỳ thi THPT quốc gia, bài thi phải đảm bảo kiến thức học ở trong nhà trường, bám sát đánh giá năng lực học sinh và vừa nâng cao, có phân hoá nhất định. Nhiều năm qua, ngành GD&ĐT đã thực hiện kỳ thi này, nhưng cử tri vẫn băn khoăn chất lượng thi cử có đảm bảo hay không, nội dung kỳ thi có khó quá so với kiến thức trong nhà trường hay không. Nếu bài thi không sát với nội dung trong chương trình, học sinh bị trượt nhiều cũng khiến cho xã hội lo lắng, băn khoăn. (Hồng Thái ghi)