Cử tri đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát quyền lực

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/5, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến. Ảnh: Trọng Đức
Chống tham nhũng đã thể hiện không còn “vùng cấm”
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết: Qua tổng hợp, có 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Cử tri và Nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên, cử tri cũng nêu ra, nhiều vụ việc chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư, ủy ban Kiểm tra T.Ư; còn nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự “vào cuộc”, có biểu hiện né tránh và kết quả thực hiện chưa rõ nét. Đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và thể hiện trách nhiệm “nêu gương” để cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.

Đại diện Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng cho biết, cử tri nhiều địa phương còn băn khoăn, lo lắng trước tình hình tệ nạn xã hội, sử dụng và mua bán ma túy vẫn diễn ra phức tạp, nhiều vụ trọng án giết người gây hậu quả nghiêm trọng; tình hình hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra liên tiếp… Trước thực trạng công tác bảo đảm an ninh mạng còn chế, tạo kẽ hở để tội phạm công nghệ “trục lợi” cá nhân, cử tri cũng thể hiện sự bất bình và bức xúc trước hành vi của một số cán bộ công an, kể cả cán bộ cấp cao đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội. Đề nghị Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này.

Xử lý cán bộ bao che cho sai phạm

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 5 kiến nghị. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng; đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực thi trách nhiệm. Đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát chất lượng và công tác quản lý của các dự án, khu chung cư…

Nhìn nhận báo cáo đã phản ánh đầy đủ tâm tư nguyện vọng của Nhân dân trên từng lĩnh vực, các thành viên UBTV Quốc hội đề nghị nên đánh giá thêm về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, BHYT, xây dựng nông thôn mới, tinh giản bộ máy… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, cần bổ sung mong muốn của cử tri là phải đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, tránh việc có nơi cử tri toàn là cán bộ hưu trí, không có người dân.
Coi trọng hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội
Chiều 15/5, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BXHX), chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giai đoạn 2016 – 2018 và đề xuất giai đoạn 2019 – 2021.

Về mức chi phí quản lý BHXH, BHYT và BHTN giai đoạn 2019 – 2021, UBTV Quốc hội nhất trí quy định chi phí quản lý tính trên tổng thu và chi. Theo đó, mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2019 bằng 2,15%; năm 2020 bằng 2,0%; năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHXH, BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH). Bình quân giai đoạn này bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi BHXH, BHTN, giảm 13% so giai đoạn 2016 - 2018.

UBTV Quốc hội cũng nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện cơ chế tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách BHTN của ngành LĐTB&XH bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Ngoài ra, UBTV Quốc hội cũng yêu cầu coi trọng hiện đại hóa công tác quản lý BHXH, BHYT để giảm chi phí khác; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với quỹ BHYT... 

Trần Hà
Nhiều kiến nghị của cử tri chỉ trả lời bằng cung cấp thông tin

Ngày 15/5, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4. Thống kê cho thấy, trong tổng số 1.993 kiến nghị mà cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, có 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri; 162 kiến nghị (chiếm 8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết xong; còn 357 kiến nghị (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết. Một điểm nhấn trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành đó là 83,5% các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay đều đã được các bộ, ngành xây dựng lộ trình để giải quyết.

Tuy nhiên, UBTV Quốc hội cũng chỉ ra, nhiều kiến nghị chỉ được các bộ, ngành trả lời bằng việc cung cấp thông tin, chỉ dẫn một số văn bản hiện hành có liên quan, hoặc trả lời “đang nghiên cứu,...”, “sẽ giải quyết,...” nên chưa đáp ứng đúng mong muốn của cử tri. Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri; có hình thức đánh giá, xử lý khi cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong giải quyết trả lời kiến nghị cử tri.