[Cử tri hỏi, UBND TP trả lời] Duy tu, sửa chữa hạ tầng đô thị bảo đảm đồng bộ, an toàn

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cử tri đề nghị Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện công tác bảo trì, duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ, chất lượng và mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Về vấn đề này, UBND TP cho biết: 
1. Về công tác tổ chức bảo trì, duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được UBND Thành phố phân công, phân cấp cho các Sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, Thông tin truyền thông và UBND các quận huyện thị xã trên địa bàn Thành phố.
2. Giải pháp thực hiện: phân chia theo quy mô, cụ thể: 
- Quy mô lớn như hạ ngầm, tổ chức giao thông (xén hè, xén dải phân cách): cần phối hợp liên ngành.
- Quy mô trung bình: lập hồ sơ cải tạo sửa chữa, đấu thầu theo quy định.
- Quy mô nhỏ: thực hiện trong duy trì.
3. Công tác duy tu duy trì công trình HTKT của một số Sở, ngành Thành phố như sau:
a. Đối với Sở Xây dựng Hà Nội:
- Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây và các đơn vị quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thống nhất quy trình quản lý vận hành; cơ chế phối hợp để xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố; cung cấp thông tin, đầu mối liên hệ, số điện thoại đường dây nóng để phản ánh khi có sự cố trên địa bàn các địa phương. 
- Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn kiểm tra, thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết để đảm bảo công tác duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, chiếu sáng, thoát nước) tại khu vực trong khuôn khổ các gói thầu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật được giao được giao theo địa bàn. 
- Trong công tác đảm bảo đồng bộ, chất lượng và mỹ quan đô thị các công trình hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội đã thẩm định, phê duyệt các Báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình hạ ngầm, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng công cộng các tuyến phố trên địa bàn các quận trung tâm Thành phố (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa..), phối hợp trong công tác hạ ngầm các đường dây đi nổi (xã hội hóa), hạ ngầm chiếu sáng, cải tạo vật kiến trúc, kết hợp với chỉnh trang hệ thống chiếu sáng, cây xanh tại nhiều tuyến phố.
b. Đối với Sở Giao thông vận tải:
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thực hiện các giải pháp sau:
- Tập trung đổi mới phương thức lựa chọn nhà thầu cho công tác duy trì. Trong giai đoạn 2018-2020 đã tiến hành chuyển đổi phương thức thực hiện theo hướng xã hội hóa công tác quản lý bảo trì thông qua đấu thầu rộng rãi cho tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia theo hướng giảm chi phí nhân công, tăng tỷ lệ sử dụng máy cơ giới hóa. 
- Cơ giới hóa từng bước từ các công việc nhỏ thường xuyên như cắt cỏ, nạo vét cống rãnh, bạt sửa mái ta luy, đắp bù phụ nền và lề đường, tưới nhựa... 
- Trang bị đầy đủ các thiết bị sơn kẻ, cọc tiêu, biển bảo và sơn kẻ mặt đường.
- Đầu tư phương tiện, thiết bị cho đơn vị tuần tra, kiểm tra bao gồm phương tiện đị lại là ô tô, phương tiện kiểm tra là máy ảnh, camera, thiết bị đo đạc. 
- Đưa công nghệ mới và vật liệu mới đã được định hình như công nghệ alphalts carbonco, công nghệ cào bóc tái chế mặt đường; ứng dụng các sản phẩm khe co giãn bằng kim loại thích ứng với điệu kiện Việt Nam dùng trong sửa chữa cầu và các công nghệ tiên tiến khác có độ bền cao, giá thành hợp lý và thân thiện với môi trường.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, duy trì hệ thống hạ tầng giao thông đã ứng dụng phần mềm GovOne trong công tác quản lý duy tu, duy trì. Áp dụng các giải pháp cơ giới hóa trong duy trì đường bộ, thay thế các công việc thực hiện bằng thủ công hoặc hàm lượng thủ công cao bằng biện pháp sử dụng máy móc thiết bị thay thế. 
Trong thời gian tới UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác quản lý duy tu, duy trì thực hiện đồng bộ các giải pháp đang thực hiện nhằm đảm bảo đảm bảo mặt đường êm thuận, nâng cao được hiệu quả đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô, giải quyết bức xúc dân sinh. Góp phần phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và giảm ùn tắc giao thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần