Cử tri Iran đi bỏ phiếu bầu Tổng thống mới

Nguyễn Minh (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (19/5), người dân Iran đã bắt đầu đi bỏ phiếu để chọn ra nhà lãnh đạo của nước này trong nhiệm kì 4 năm tới.rn

Có khoảng hơn 54 triệu cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử. Bộ Nội vụ Iran cho biết, 63.500 điểm bỏ phiếu được mở cửa trên cả nước, bắt đầu lúc 8h giờ sáng và đóng cửa vào lúc 18h giờ địa phương. Kết quả bầu cử sớm dự kiến được công bố vào sáng mai (20/5).
 Người dân Iran xếp hàng chờ bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Ảnh: Getty.
Mặc dù có 4 ứng cử viên Tổng thống, nhưng cuộc bầu cử lần này được cho là cuộc đua chính thức giữa đương kim Tổng thống Hassan Rouhani thuộc phe ôn hòa theo đường lối cải cách và giáo sĩ Ebrahim Raisi thuộc phe bảo thủ theo đường lối cứng rắn.
Việc hai ứng cử viên hàng đầu có lập trường chính trị khác nhau cho thấy kết quả cuộc bầu cử Tổng thống lần này sẽ mang tính chất quyết định chính sách trong nước cũng như ngoại giao của quốc gia Hồi giáo này trong tương lai.
Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã đi bỏ phiếu chỉ vài phút sau khi các điểm bỏ phiếu của Iran mở cửa.
Phát biểu với báo giới khi bỏ phiếu tại Tehran, Đại giáo chủ Khamenei tuyên bố "vận mệnh của đất nước đang nằm trong tay của những người dân Iran."
Đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani hiện thân cho đường lối cải cách và mở cửa, ôn hòa về tôn giáo và gắn kết với thế giới bên ngoài. 
 Đương kim Tổng thống Hassan Rouhani thuộc phe ôn hòa theo đường lối cải cách. Ảnh: Reuters.
Trong nhiệm kỳ 4 năm qua, Iran đã đạt được nhiều thành quả quan trọng với việc kí kết thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, giúp nới lỏng những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Nếu ông Rouhani tái đắc cử, quá trình cải cách, mở cửa và hội nhập sẽ có cơ hội được tiếp tục. Chính vì vậy,  đối với nhiều các cử tri trẻ, đặc biệt là những người dân Iran thành thị,  thì ông Rouhani là lựa chọn duy nhất.
Tuy nhiên, Đương kim Tổng thống Iran cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ các đối thủ theo đường lối bảo thủ do vấn đề kinh tế đình trệ kéo dài.
Ông Raisi đã bác bỏ thành tựu kinh tế cũng như chính sách làm dịu căng thẳng với phương Tây mà Tổng thống Rouhani theo đuổi.
 Tại một điểm bầu cử tại Tehran. Ảnh: Getty.
Không chỉ định hình chính sách trong nước, cuộc bầu cử Tổng thống cũng sẽ quyết định các chính sách ngoại giao của Iran, đặc biệt trong các mối quan hệ với phương Tây.
Theo khảo sát cuối cùng trước thềm bầu cử, ông Rouhani nhận được 60% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm nay. Nếu không ai giành được hơn 50% số phiếu bầu, một cuộc bầu cử vòng 2 sẽ được tổ chức vào tuần tới.