Trả lời cho những ý kiến trên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, thống kê mức thuế suất thuế giá trị gia tăng của 112 nước thì có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Bộ này cũng đưa ra thống kê, mức thuế trung bình toàn cầu là 16%; ở châu Á là 10,9%; Liên minh châu Âu là 21,5%; Trung Âu và Nga là 18,6%; châu Mỹ là 14%. Với Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Mức thuế ở Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.
Bộ này cũng cho rằng, trên thế giới, trình trạng nợ công tăng cao khiến các nước, kể cả các nước phát triển, tiến hành cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt). Điều này nhằm bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập và giảm thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế. Nói về tác động tới người dùng, văn bản trả lời cử tri của Bộ Tài chính cho rằng, nếu duy trì thuế suất thấp ngành tài chính khẳng định, điều này chỉ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo. Lý do vì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế giá trị gia tăng trong khi 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế.Nhận định về ý kiến giải trình của Bộ Tài Chính. PGS. TS Ngô Trí Long đánh giá, cách giải thích cho rằng thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo còn phiến diện, chưa thuyết phục. “Bởi thuế VAT có tính lũy thoái, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy, khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”- ông Long nhấn mạnh.