Cũ và mới chuyện văn hóa xếp hàng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý thức xếp hàng của người dân Hà Nội đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Dưới tác động của thời gian, văn hóa xếp hàng của người Hà Nội tốt lên hay xấu đi phụ thuộc nhiều vào các yếu tố xã hội, cách người dân nhận thức, tiếp thu, xử lý với những thông tin họ tiếp nhận bên ngoài cuộc sống.
Chuyển biến trong nhận thức
Vào sáng hay chiều, khoảng giờ cao điểm, trên những tuyến đường có mật độ giao thông lớn, người dân Thủ đô lại phải gồng mình chống chọi với cảnh tắc đường. Trong bức tranh hỗn loạn đó, người điều khiển ô tô, xe máy chen lấn, thậm chí lao lên vỉa hè để di chuyển, tiến về phía trước với mong muốn thoát khỏi cảnh khói bụi, ngột ngạt. Tuy nhiên điều này có thể khiến nạn tắc đường trở nên trầm trọng hơn.
Vấn đề về ý thức, văn hóa xếp hàng chưa tốt cũng được nhiều người dẫn chứng ở những địa điểm công cộng khác. Trạm đổ xăng, thay vì xếp hàng, ai cũng cố lách đến gần cột xăng mà ít khi quan tâm người đứng trước đang chờ đến lượt. Tại bến xe, hành khách tranh giành nhau từng chỗ như đánh trận, nhất là vào các dịp lễ.
 Người dân xếp hàng chờ mua vé tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Từ câu chuyện hiện nay, soi chiếu dưới góc độ lịch sử, theo nhiều chuyên gia, văn hóa xếp hàng của người dân đã có nhiều đổi thay. Trước đây, khi cuộc sống khó khăn, nghề nông, lao động thủ công còn phổ biến, nhiều người cảm thấy không cần phải xếp hàng.
Bởi lúc đó, không gian và thời gian dường như rộng rãi, cuộc sống chậm, không gấp gáp. Những năm tháng bao cấp, việc xếp hàng đã có trật tự, văn hóa. Những người đến sớm chỉ cần đặt vật gì đó “làm tin” thì coi như người đó đến trước, được mua trước, nhận hàng trước. Hình ảnh ấy rất văn minh dù thời đó kinh tế còn khó khăn.
Tuy nhiên, so sánh như vậy không có nghĩa trong cuộc sống hiện nay, văn hóa xếp hàng hoàn toàn mờ nhạt. Cùng với sự tiến bộ của nền văn minh đô thị trong đời sống người dân, việc xếp hàng cũng dần trở thành thói quen. Giờ đây, đa số người Việt đã có tâm lý khá thoải mái khi xếp hàng ở nơi công cộng.
Hình ảnh xếp hàng đã dần đi vào tâm thức. Ở Hà Nội, chúng ta cũng nhận thấy những cảnh tượng văn minh ở địa điểm công cộng như rạp chiếu phim (rạp quốc gia, hệ thống CGV), quán ăn (cửa hàng bún cá ở Nguyễn Thái Học, phở Bát Đàn) hay bệnh viện, trường học. Ở đó, người dân từ già đến trẻ đều ngay ngắn xếp hàng. Người dân đã có nhiều chuyển biến trong ý thức nhưng để văn hóa xếp hàng thực sự hình thành, trở thành thói quen, đi vào cuộc sống vẫn vấp phải nhiều rào cản.

Thực hiện nếp sống văn minh

"Nhìn từ câu chuyện ở đất nước Nhật Bản, năm 2011, sau thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản, cả thế giới gần như hoàn toàn bị thuyết phục bởi tinh thần của người Nhật. Lúc đó, hình ảnh dòng người kiên nhẫn xếp hàng, trong đó có một cậu bé bản lĩnh và kiên cường, đứng chờ nhận hàng cứu trợ. Đây được xem như biểu tượng cho ý thức kỷ luật, tôn trọng cộng đồng. Để nâng cao ý thức cho mọi người dân về thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa nơi công cộng, trong đó có văn hóa xếp hàng, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở từ trong các tổ tự quản, công đoàn cơ quan, trường học để mọi người, mọi tầng lớp Nhân dân cùng nhau thực hiện tốt nếp sống văn minh." - PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên cao cấp Đại học Ngoại Thương

Phân tích về văn hóa xếp hàng của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh - giảng viên trường Đại học Ngoại Thương chia sẻ: “Người Việt hay sốt ruột, thích hưởng lợi ngay là vì không tin sẽ được đối đãi công bằng. Chúng ta có tính tập thể lớn, trong đó bao gồm văn hóa thứ bậc, có nghĩa là người này được ưu tiên hơn người kia. Đồng thời, người Việt có văn hóa ngại rủi ro, trọng quan hệ, dẫn tới không tin nhau, không tin sự công bằng và biểu hiện rõ ràng nhất là việc không xếp hàng”.
Tăng cường giáo dục
Ở Việt Nam, người dân khi thấy người nào đó chen lấn, phá vỡ trật tự này thì thường chọn cách im lặng, mặc kệ, coi như không phải việc của mình. Cứ như thế hành vi xấu này cứ lặp đi lặp lại, diễn ra nhiều nơi.
Do đó, theo anh Phạm Văn Chung (Hai Bà Trưng, Hà Nội): “Hiện nay, khi người dân chưa tự nguyện xếp hàng ở nơi công cộng, ở các điểm này cần có bảng quy định, cử nhân viên trực tiếp hướng dẫn, yêu cầu người dân phải đứng theo thứ tự, trật tự. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong ổn định trật tự ở nơi công cộng, địa điểm đông người. Hình thức xử phạt, thậm chí cần về xử lý hành chính đối với những người cố tình chen lấn, gây rối, ảnh hưởng đến những người khác”.
Bàn luận về văn hóa xếp hàng, anh Nguyễn Văn Ninh - du học sinh tại Anh cho biết: “Ngay cả ở phương Tây - nơi nhiều người cho là văn minh, mỗi lần Black Friday (ngày mua hàng giảm giá) lại thấy cảnh tượng người ta chen lấn, xô đẩy nhau để hưởng khuyến mãi. Vì vậy, đứng trước sự khan hiếm, lề lối chuẩn mực thật khó được duy trì.
Do đó, sự thay đổi về nhận thức là quá trình lâu dài. Để lên kế hoạch cho sự thay đổi đó cần rất nhiều cố gắng. Chúng ta đang phải giáo dục một con người từ nhỏ về ý thức xếp hàng trong khi xung quanh đứa trẻ đó vẫn xảy ra hiện tượng đi ngược lại. Cho nên, chuyện để có văn hóa xếp hàng cần thời gian và cũng cần kiên trì”.
Ngoài ra, theo cô giáo Nguyễn Mai Hương - Trường Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội): “Ở Hà Nội, còn rất nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa xếp hàng bị lên án như vụ hàng nghìn người dân chen lấn, xô đẩy nhau rồi trèo rào vào Công viên nước Hồ Tây tắm miễn phí, leo qua rào để mua vé xem đá bóng tại Sân vận động Mỹ Đình... Vì vậy theo tôi, để xây dựng văn hóa xếp hàng, nên lồng ghép nội dung này vào bài giảng để giáo dục trẻ em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Xây dựng chuyên đề giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh”.
Câu chuyện xếp hàng có thể sẽ vẫn còn là một câu chuyện dài. Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng thừa nhận đó là một hành động dù nhỏ nhưng thật sự mang lại những lợi ích rất lớn cho cá nhân và cộng đồng. Văn hóa xếp hàng còn là biểu hiện của một xã hội công bằng, văn minh.
Khi xếp hàng, chúng ta đang tôn trọng quyền lợi của mình và mọi người trong mối quan hệ của xã hội. Khi mọi người đều tuân theo một trật tự sẽ giúp mọi việc trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện hơn với tất cả những ai cùng tham gia. Ngược lại, việc xếp hàng bị lãng quên hoặc bị phủ nhận bằng một thái độ khó chịu, mọi việc sẽ trở nên xáo trộn và mọi thứ sẽ chậm lại, hoặc xấu đi.

"Xếp hàng là một hành vi, một ứng xử văn minh trong xã hội hiện đại. Bài học “Lê Nin trong hiệu cắt tóc” được dạy nhiều năm ở trường phổ thông Việt Nam. Bài học đó là ai đến trước sẽ hưởng quyền phục vụ trước, không phân biệt vị thế hay đẳng cấp xã hội. Bài học đó là thực hành văn minh trong tính tự giác, tự nguyện.

Theo tôi, để hình thành văn hóa xếp hàng, chính quyền phải có trách nhiệm đầu tiên trong việc này. Mọi việc phải song hành, vừa tạo nên một môi trường, một hoàn cảnh sống thuận lợi vừa giáo dục, tuyên truyền và thực thi pháp luật. Chúng ta đang rất khó khăn để xoay chuyển tâm lý và hành vi xã hội.

Người đứng đầu đâu chỉ là chuyện nêu gương, mà phải là người đi đầu trong việc thượng tôn pháp luật. Hành vi chen lấn khi xếp hàng xem ra là nhỏ nhưng nó là nhân phẩm chung của quốc gia. Làm sao trên truyền thông thế giới hiện đại không xuất hiện dòng chữ: Người Việt không biết xếp hàng." - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ


"Ở Việt Nam, 2 trường hợp xếp hàng tương đối tốt là dưới áp lực của sự kiểm soát và trong đám đông có chung một loại cảm xúc thiêng liêng. Tuy nhiên, khi đứng trước lợi ích và rời khỏi sự kiểm soát, lập tức trở thành đám đông hỗn loạn dẫn đến việc biểu hiện xấu khi ra nước ngoài và khiến lòng tự trọng dân tộc bị xúc phạm. Do vậy, cần những trí thức tinh hoa, những trí thức ưu tú dẫn dắt xã hội. Đồng thời, công tác giáo dục phải bắt đầu từ kỷ luật, sau đó sẽ rèn được tự giác. Đặc biệt, mỗi người phải tự giáo dục mình về niềm tin và lòng tự trọng." - PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần