Của hồi môn là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị gái tôi sắp cưới chồng. Bố mẹ tôi dự định dành một số tài sản để cho chị ấy trong ngày vu quy, với sự chứng kiến của họ hàng hai bên, mục đích để làm của hồi môn.

Đề nghị các anh chị cho biết, trừ dây chuyền, lắc tay và nhẫn vàng đeo khi nhà trai đón dâu, những tài sản lớn hơn như tiền mặt, sổ đỏ được hiểu là tài sản bố mẹ tôi tặng riêng cho chị gái hay vì anh chị đã đăng ký kết hôn trước đó nên đương nhiên đây là tài sản chung của vợ chồng anh chị? Nếu là tài sản cho riêng và mang theo về nhà chồng, khi chị gái tôi sử dụng, mua bán có phải hỏi ý kiến của anh rể hay không?

Nguyễn Thị Hằng, quận Đống Đa, Hà Nội

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:

Dưới góc độ pháp luật dân sự, việc tặng cho tài sản, dù là bố mẹ cho con cũng là một hợp đồng. Cụ thể, theo Điều 457 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”.

Hợp đồng tặng cho động sản như dây chuyền, lắc tay và nhẫn vàng… có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Tặng cho bất động sản như nhà đất, xe ô tô… phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

 

Tóm lại, khi cho tặng phải xác định rõ tài sản và người được tặng cho. Ví dụ, dù là tài sản có giá trị lớn hay nhỏ, bố mẹ bạn có quyền và về nguyên tắc phải xác định rõ ràng là cho con gái hay cho cả hai vợ chồng họ. Đó là căn cứ để xác định tài sản là tài sản riêng hay chung của hai người.

Bên cạnh đó, pháp luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Cụ thể:

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ, chông như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.

Vì anh chị bạn đã đăng ký kết hôn, giữa hai người đã tồn tại quan hệ hôn nhân nên nếu bố mẹ bạn không nói rõ cho tặng riêng cho con gái, thì mặc nhiên được hiểu tài sản được cho tặng là tài sản chung của vợ chồng họ. Bởi vì, Điều 43 của Luật này quy định về tài sản riêng của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

Nếu bố mẹ bạn nói rõ là cho con gái, đó là trường hợp chị gái bạn được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân và đó là tài sản riêng của chị gái bạn, không phải tài sản chung của hai vợ chồng họ.

Điều 44 Luật này quy định quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ”.

Tóm lại, nếu là tài sản riêng, về nguyên tắc chị gái bạn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, ví dụ bán cho tặng tài sản đó, mà không cần hỏi ý kiến của anh rể bạn. Tuy nhiên, quan hệ vợ chồng không chỉ ràng buộc bởi giấy đăng ký kết hôn, mà chủ yếu dựa trên yếu tố tình cảm giữa hai người. Vì thế, mỗi người nên ứng xử phù hợp để hôn nhân đạt được mục đích, tránh làm tổn thương đến người còn lại.