Cục Cạnh tranh và doanh nghiệp khiếu nại Hội đồng cạnh tranh Quốc gia về vụ Grab mua Uber

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã ra phán quyết về thương vụ sáp nhập Grab, Uber hồi tháng 3/2018 không vi phạm luật cạnh tranh. Phán quyết này đi ngược với kết luận điều tra của Singapore, Philippines.

Do đó, cơ quan điều tra cạnh tranh Bộ Công thương, Công ty CP Ánh Dương (Vinasun) đã gửi khiếu nại về phán quyết này lên Hội đồng cạnh tranh Quốc gia đề nghị xem xét lại.

Cục Cạnh tranh khiếu nại quyết định của Hội đồng Cạnh tranh

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa cho biết đã gửi đơn khiếu nại tới Hội đồng Cạnh tranh (cơ quan hoạt động độc lập với Bộ Công Thương) về Quyết định số 26/QĐ-HĐXL ngày 17/6/2019 của hội đồng về xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam.

Theo đơn khiếu nại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng không nhất trí về phán quyết không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber Việt Nam) do việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa 2 công ty này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp.

 Hội đồng Cạnh tranh xử ''vô tội'' cho Grab trong thương vụ mua lại Uber.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, bản chất và nội dung của giao dịch mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ là việc Grab mua toàn bộ tài sản của Uber Việt Nam dẫn tới Grab đã kiểm soát, chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber. Do đó, hành vi bị điều tra là hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh.

Căn cứ các chứng cứ và lập luận trong hồ sơ vụ việc về việc xác định thị trường liên quan và thị phần kết hợp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xác định bên bị điều tra đã vi phạm: Hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh 2004; hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh 2004. Cụ thể là hành vi mua lại doanh nghiệp bị cấm theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết, trong thời hạn 30 ngày từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại, Hội đồng Cạnh tranh có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền.

Trường hợp Hội đồng Cạnh tranh chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trước ngày 1/7 (ngày Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực), vụ việc sẽ được tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

Theo kết quả điều tra của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, việc Grab mua lại Uber ở Việt Nam dẫn đến thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế.

Phản đối phán quyết của Hội đồng xử lý vụ việc

Trước phán quyết của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh trên, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp.) đã có Đơn khiếu nại gửi đến ông Trần Quốc Khánh – Chủ Tịch Hội Đồng Cạnh Tranh bày tỏ sự thất vọng với kết luận của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, bởi trong phần nhận định của quyết định, Hội đồng đã đưa ra những lập luận không đúng với bản chất sự việc.

Theo Vinasun Corp., phán quyết đi ngược với nhận thức chung của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Vụ việc Grab mua lại thị phần của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam không chỉ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng điều tra mà các quốc gia trong khu vực cũng có kết luận chính thức và đưa ra phán quyết cụ thể. Các hành vi lũng đoạn thị trường, vi phạm luật cạnh tranh của Grab rất rõ ràng và đã bị cơ quan cạnh tranh tại các quốc gia trong khu vực xử phạt nghiêm khắc.

 Đơn khiếu nại của Vinasun liên quan đến thương vụ Grab mua lại Uber.

Vinasun Corp. cho hay, việc áp dụng pháp luật cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chưa phù hợp. Bởi lẽ, không thể nói rằng do Uber Việt Nam không đăng ký ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực gọi xe hay cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt Nam, cũng không trực tiếp quản lý, vận hành ứng dụng Uber thì giao dịch của Grab và Uber không ảnh hưởng đến thị trường vận tải xe ô tô dưới 9 chỗ tại Việt Nam.

Vinasun Corp. cũng cho rằng, hành vi tập trung kinh tế Grab và Uber không chỉ là nguy cơ tiềm tàng mà trên thực tế đã có tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Nhờ có giao dịch này, Grab đã thành công trong việc thâu tóm thị trường và công bố đang phục vụ 25% dân số Việt Nam. Việc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ dữ liệu, bảo lưu quyền chuyển nhượng dữ liệu của 25% dân số cho bên thứ ba sẽ đặt ra những nguy cơ lớn không chỉ về kinh tế mà còn cả vấn đề an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Vì thế, Vinasun Corp. đề nghị Chủ Tịch Hội Đồng Cạnh tranh xem xét để huỷ quyết định, giải quyết lại vụ việc cạnh tranh vì theo Điều 112, khoản 3, điểm a: "Hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại trong các trường hợp sau đây: Chứng cứ chưa được thu thập và xác minh đầy đủ" trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, áp dụng đúng quy định pháp luật, đúng bản chất vụ việc để đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Đồng thời, việc tổ chức phiên điều trần cần công khai theo quy định tại Khoản 1 Điều 104 của Luật Cạnh tranh để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao nhận thức nhân dân về tuân thủ pháp luật cạnh tranh. Công bố công khai danh tính của 6 bên liên quan và cho phép các tổ chức, cá nhân này tham gia phiên điều trần.

Nội dung xem xét và quyết định xử lý cần xem xét đến thực tế tác động hạn chế cạnh tranh của giao dịch áp dụng các biện pháp bổ sung, bao gồm cơ cấu lại doanh nghiệp; buộc chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản; kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ và điều kiện giao dịch; các biện pháp khác để ngăn chặn việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của Công ty Grab, bảo vệ môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh tại Việt Nam.

Phối hợp với cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu hình sự trong việc Uber và Grab có hành vi thoả thuận phân chia thị trường theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần