Cục Đường sắt Việt Nam nói gì về vụ nhà vệ sinh trên tàu gây "chấn động"?

Hà Nam - Thành Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau loạt bài: “Chấn động” nhà vệ sinh trên tàu, phản ánh việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện Dự án lắp đặt 821 nhà vệ sinh trên tàu với số tiền đầu tư “khủng” gần 200 tỷ đồng nhưng bốc mùi hôi thối kinh khủng, có nguy cơ phải thay thế. Qua kiểm tra, Cục Đường sắt Việt Nam đã khẳng định…

“Chấn động” nhà vệ sinh 168 tỷ trên tàu nguy cơ “vứt sọt rác”

Tiếp bài "chấn động" nhà vệ sinh trên tàu: Dát vàng hay sao mà giá 230 triệu/bộ?

 Dự án lắp đặt 821 bộ thiết bị vệ sinh trên tàu có tống giá trị đầu tư trên 188 tỷ đồng mà như thế này đây!
Theo đó, qua kiểm tra, ngày 21/3 Cục Đường sắt Việt Nam đã ban hành Công văn số 395/CĐSVN-KHCN&MT, khẳng định: “Qua kiểm tra thực tế trên tàu cũng như phản ánh của nhân viên phục vụ trên tàu và hành khách đi tàu thì 1 trong 3 chủng loại thiết bị vệ sinh tự hoại đang được lắp đặt, sử dụng trên tàu là thiết bị của hãng Chodai (Nhật Bản) đang bộc lộ nhiều nhược điểm như: giá thể và bộ trộn của hệ thống để lộ thiên gây phản cảm đối với hành khách; theo yêu cầu công nghệ giá thể phải được giữ khô trong quá trình sử dụng nên không phù hợp với thói quen và điều kiện thực tế ở Việt Nam; lượng nước dư thừa làm cho giá thể nhanh bị hư hỏng, giảm hiệu quả xử lý, kèm theo nhiệt lượng cáo để duy trì hoạt động của giá thể làm bốc mùi hôi thối ngược lại phòng vệ sinh và toa xe khi sử dụng; kích thước thiết bị lớn trong khi diện tích buồng vệ sinh trên toa xe quá chật hẹp nên rất khó sử dụng… Do đó, tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các buồng vệ sinh có lắp thiết bị vệ sinh của Chodai đều phải đóng lại hoặc hạn chế sử dụng…".
 Ngày 9/9/2016, Dự án đã được phê duyệt quyết toán với số tiền lên đến 188.396.291.000 đồng.
Để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường trên tàu, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị Tổng Công ty Đường sắt khẩn trương khắc phục ngay các tồn tại của thiết bị vệ sinh do Chodai cung cấp; báo cáo về Cục trước ngày 31.3.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt một dự án “Lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách” với số lượng là 821 thiết bị vệ sinh với tổng giá trị của dự án là 188.396.291.000 đồng được đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Tổng số 821 thiết bị vệ sinh này đều do hai hãng Chodai và Petech (VN) cung cấp với đơn giá lên đến hơn 168 tỷ đồng.
Như vậy, giá trung bình của mỗi bộ thiết bị vệ sinh lên tới 230 triệu đồng/bộ trong khi chất lượng không đảm bảo, thẩm mỹ kém và có mùi hôi thối khiến dư luận rất bức xúc.