Cục Thuế TP Hà Nội: Thu ngân sách tăng 16% so cùng kỳ

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 9 tháng đầu năm 2018, Cục Thuế TP Hà Nội đã đề ra và triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm và đã quản lý thu 153.650 tỷ đồng, đạt 70,4% dự toán pháp lệnh, tăng 16% so cùng kỳ.

 Tra cứu dữ liệu trên máy tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ. Ảnh: Hải Linh
Theo đó, cơ quan thuế Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hình thức tuyên truyền hỗ trợ, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa tại cơ quan thuế các cấp. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Công tác nâng cao chất lượng, thông tin dữ liệu kê khai, kế toán thuế và đã đôn đốc, kiểm soát việc kê khai thuế của NNT luôn được lãnh đạo Cục Thuế quan tâm. Vì thế, các trường hợp kê khai không đúng, không đủ được phát hiện kịp thời và có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Cục cũng tiếp tục đổi mới phương thức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phân tích rủi ro và hỗ trợ quá trình thanh, kiểm tra. Việc hiện đại hóa công tác thanh, kiểm tra này vừa giúp giảm thời gian, phiền hà cho DN, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng thanh, kiểm tra. Cục Thuế Hà Nội đã hoàn thành 12.711 cuộc thanh, kiểm tra; xử lý truy thu, truy hoàn và phạt 3.342 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ.

Trong 3 tháng cuối năm, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Các giải pháp cụ thể gồm: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT ở tất cả các khâu, các bộ phận dưới nhiều hình thức đa dạng theo hướng hiện đại, giúp NNT dễ nắm bắt, dễ thực hiện và chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế. Kịp thời khen thưởng, tuyên dương NNT thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế. Đồng thời công khai danh sách các DN nợ thuế, các DN, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo minh bạch, công bằng và đúng quy định.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức đối thoại, tọa đàm, tiếp xúc trực tiếp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, tiếp nhận ý kiến xây dựng, phản biện tích cực của DN và người dân về chính sách, thủ tục hành chính thuế để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền về các cơ chế chính sách, quy trình, quy chế liên thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí, tạo môi trường thuận lợi cho các DN mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút tốt các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hỗ trợ NNT; tham mưu các cơ chế chính sách tạo điều kiện mở rộng, phát triển, nâng cao vai trò của Hội, hiệp hội, các Đại lý thuế, DN tư vấn thuế, kế toán, kiểm toán, cùng với ngành thuế hỗ trợ, tạo dựng môi trường khởi nghiệp thuận lợi. Qua đó nhằm phát triển DN mới, khuyến khích các hộ kinh doanh lớn chuyển đổi lên DN, góp phần cùng các ngành xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô khởi nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần