Năm 2017: Ngành thuế Hà Nội quyết liệt thu nợ với các DN chây ì

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định công tác quản lý nợ thuế là một thách thức phải vượt qua, năm 2016, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác này và đạt kết quả tích cực.

Năm 2017, ngành thuế Hà Nội sẽ tiếp tục các giải pháp quyết liệt thu nợ với các DN chây ì.
Thu hơn 12.700 tỷ đồng nợ thuế
Là Chi cục đi đầu trong công tác thu hồi nợ thuế năm 2016, ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Thanh Xuân cho hay, ngay từ đầu năm 2016, Chi cục đã xây dựng kế hoạch quản lý nợ, giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng đội, từng cán bộ thuế, tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, công khai các đơn vị nợ thuế trên các phương tiện truyền thông đại chúng… Với các giải pháp này, năm 2016, Chi cục đã hoàn thành trên 100% chỉ tiêu thu nợ được giao. Từ vị trí thứ 9/30 chi cục hồi tháng 1/2016, các tháng còn lại, Chi cục Thuế quận Thanh Xuân luôn được Cục Thuế TP Hà Nội xếp hạng 1/30 về thu hồi nợ thuế.
Đến cuối năm 2016, Chi cục Thuế Thanh Xuân đã thu nợ được 4.304 tỷ đồng, trong đó, thu nợ liên quan đến đất đạt tỷ lệ 110% chỉ tiêu thu nợ. Quận Thanh Xuân cũng quyết liệt trong công tác cưỡng chế nợ. Theo đó, Chi cục đã ban hành hơn 1.500 quyết định cưỡng chế bằng trích tiền từ tài khoản với 757 DN, cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng với 342 đơn vị, cưỡng chế đối với 9 đơn vị nợ về đất, thu về hơn 7.500 triệu đồng sau cưỡng chế, thực hiện công khai danh sách 36 đơn vị nợ tiền thuế phí…

Năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong thu hồi nợ thuế. (Trong ảnh: Người dân làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế quận Thanh Xuân). Ảnh: Phạm Hùng

Quận Thanh Xuân là một trong nhiều đơn vị của Cục Thuế TP Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp thu hồi nợ thuế trong năm 2016.
Với quan điểm công tác thu hồi nợ thuế, tiền thuê đất không chỉ là công việc của  riêng ngành thuế, mà cần sự vào cuộc trực tiếp của cả hệ thống chính quyền trên địa bàn, ngày 11/4/2016, UBND TP Hà Nội đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất trên địa bàn. Cục Thuế là cơ quan thường trực với sự tham gia phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, Cục Thuế đặc biệt chú trọng công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế. Các giải pháp được triển khai đồng bộ là triển khai quyết liệt công tác đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, không để phát sinh nợ mới, giải quyết dứt điểm nợ điều chỉnh, nợ chờ xử lý không để nợ chờ xử lý kéo dài. Công tác công khai danh sách DN nợ thuế để răn đe và "thúc” DN nợ thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế cũng được Cục Thuế thực hiện thường xuyên hàng tháng. "Chúng tôi cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan; nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng để thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hiệu quả” - ông Sơn nhấn mạnh.
Thông qua các biện pháp, giải pháp đồng bộ, quyết liệt này, năm 2016, số nợ thuế trên địa bàn đã giảm 15,1% so với 31/12/2015 và được đánh giá là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác thu hồi nợ đọng thuế. Cục Thuế đã thu được 12.700 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 30% so với năm 2015.
Nắm bắt “chặt” dòng tiền doanh nghiệp nợ thuế 
Năm 2017, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước của Cục Thuế Hà Nội được dự báo tiếp tục sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân bởi một bộ phận các tổ chức, DN, cá nhân chưa có ý thức tự giác kê khai, nộp thuế đúng và đủ. Một số DN lợi dụng chính sách thông thoáng tháo gỡ của Chính phủ, dùng thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, gian lận về thuế, nhiều DN chây ì trong việc nộp thuế. Do đó, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác thu hồi nợ thuế, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước. Đó là tiếp tục thực hiện đồng bộ quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, tăng cường các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế một cách có hiệu quả; Thường xuyên phân tích, nắm bắt thực trạng tình hình tài chính, dòng tiền của các DN nợ thuế, đặc biệt là các khoản nợ dưới 90 ngày, để kịp thời đôn đốc nộp ngân sách Nhà nước; Thực hiện công khai thông tin các DN, chủ đầu tư nợ đọng thuế và các khoản thu về đất trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, Cục Thuế cũng tiếp tục tham mưu kịp thời với Thành ủy, HĐND, UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, phối hợp tốt với cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý thuế trên địa bàn. Đặc biệt là việc tham mưu triển khai có hiệu quả Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn TP trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ đọng thuế; Phối hợp cùng cơ quan có liên quan nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế, nhất là các vi phạm về in, phát hành và sử dụng hóa đơn.

Trong năm 2016, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng gần 1.800 đơn vị nợ tiền thuế phí, tiền thuê đất với tổng số nợ là 3.110 tỷ đồng, kết quả sau công khai đã có 917 đơn vị nộp thuế với số thuế đã nộp là 714.942 triệu đồng.


Những dấu ấn của ngành thuế Hà Nội năm 2016
1. Cục Thuế đã hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2016 với tổng số thu cân đối thực hiện là 160.548 tỷ đồng, đạt 104% dự toán pháp lệnh, tăng 16% so với thực hiện năm 2015.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế mới, công tác cải cách hành chính… được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú. Theo đó, Cục đã tổ chức hơn 110 lớp tập huấn cho gần 20.000 DN, người nộp thuế và cán bộ công chức thuế, tổ chức gần 50 buổi tọa đàm, đối thoại với các DN, tổ chức, hiệp hội trên địa bàn, biểu dương 422 DN, cá nhân chấp hành tốt pháp luật thuế.
3. Đây là năm công tác kiểm tra thuế đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, hoàn thành 15.884 cuộc kiểm tra (tăng 64,9% so với năm 2015), đạt 92,4% kế hoạch được giao. Là đơn vị đầu tiên trên cả nước đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra thuế.
5. Năm 2016, số nợ thuế giảm 15,1% so với năm 2015, thu được 12.700 tỷ đồng tiền nợ thuế (tăng 30% so với năm 2015) và được đánh giá là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác thu hồi nợ đọng thuế.
6. Tỷ lệ khai thuế qua mạng luôn đạt trên 97%; tỷ lệ DN đăng ký nộp thuế điện tử đạt trên 96% tổng số DN đang hoạt động; số lượng hồ sơ hoàn thuế được giải quyết đúng thời gian quy định đạt 97% tổng số hồ sơ đã giải quyết.