Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Đào tạo Mai Văn Trinh: Sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có chủ đích

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 9/8, tại tọa đàm trực tuyến “Chặn đứng tiêu cực thi cử - Giữ môi trường giáo dục trong sạch” do báo Lao động tổ chức, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Đào tạo, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh khẳng định, gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều có chủ đích và ý đồ từ trước của một số cá nhân.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Đào tạo, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh. Ảnh: Hải Nguyễn.
Nói về sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đến nay đã có 7 cán bộ bị bắt tạm giam. Là người trong cuộc trực tiếp xử lý công việc ở các tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Đào tạo Mai Văn Trinh cho biết: Tôi rất đau lòng và phẫn nộ về những sai phạm gian lận thi cử, sửa bài thi, nâng điểm ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. 
Qua thực tế, cả 3 tỉnh trên đều có một số điểm chung như sai phạm có chủ đích, có ý đồ từ trước của một số cá nhân. Không chỉ thế, hậu quả của sai phạm rất nghiêm trọng làm mất đi tính công bằng của kỳ thi, gây tổn thương đến sự trong sáng của thí sinh. Đặc biệt, làm tổn thương đến niềm tin của xã hội. Những sai phạm này xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, ý thức pháp luật của những người đã gây ra.

“Điểm khác nhau giữa các sai phạm là về tình tiết, thời gian và các khâu diễn ra. Những sai phạm này cá biệt và thực sự rất xấu, ảnh hưởng đến sự nỗ lực của 63 tỉnh thành và thậm chí là cả hệ thống chính trị xã hội, sự nỗ lực của cả địa phương. Ngay cả các địa phương đã để xảy ra sai phạm trước đó cũng đã nỗ lực rất nhiều”, ông Mai Văn Trinh nhận định và dẫn chứng: Hà Giang, trong những ngày diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra lũ quét, địa phương cũng đã có biện pháp hỗ trợ, huy động phương tiện chuyên dụng để hỗ trợ thí sinh đi đến điểm thi. Đó là sự nỗ lực rất lớn. Sơn La cũng bị ảnh hưởng mưa lớn trong các ngày diễn ra kỳ thi. Rõ ràng, sai phạm này trước hết là trách nhiệm cá nhân mà nguồn gốc sâu xa là công tác cán bộ, lựa chọn cán bộ.

Ông Trinh cũng cho biết, căn cứ mức độ sai phạm sẽ xử lý đúng người, đúng việc. Về phía Bộ GD&ĐT và cơ quan quản lý nhà nước, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trong phạm vi quản lý của mình. Những đối tượng khác cũng sẽ bị các cơ quan chủ quản xử lý đúng trách nhiệm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần