Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Đông Anh: Trạm xử lý nước thải có cũng... như không

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động hơn 10 năm, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Đông Anh mới có trạm xử lý nước thải tập trung.

Thế nhưng sau khi hoàn thành, chỉ có duy nhất một DN tham gia đấu nối, trong khi hơn 20 DN khác vẫn xả thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước dẫn vào đầm Nguyên Khê, rồi đổ thẳng ra sông Cà Lồ.
Hoạt động 10 năm mới xây trạm xử lý
Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Đông Anh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006. Từ đó đến nay, đã có trên 20 DN đăng ký vào hoạt động sản xuất tại đây. Dù vậy, mãi tới cuối năm 2016, trạm xử lý nước thải tập trung mới được xây dựng. Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh Nguyễn Lê Hiến cho biết, hầu hết các DN đang hoạt động trong cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải riêng. Tuy nhiên, để ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm đối với điểm tiếp nhận nguồn nước thải là đầm Nguyên Khê, địa phương yêu cầu đơn vị được giao quản lý Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Đông Anh phải xây dựng trạm xử lý tập trung để làm sạch nước thải thêm một lần nữa trước khi đưa ra ngoài môi trường.
 Trạm xử lý nước thải tập trung được đầu tư trên 18 tỷ đồng để xây dựng, nhưng hiện chỉ có một doanh nghiệp đấu nối.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, liên danh Công ty CP Đông Thành và Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam đã đầu tư kinh phí khoảng 18 tỷ đồng để xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Đến thực tế công trình này vào đầu tháng 10/2017, phóng viên ghi nhận trạm xử lý đã đi vào vận hành khá ổn định. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện mới chỉ có một trong tổng số hơn 20 DN đang hoạt động tại Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Đông Anh tiến hành đấu nối vào trạm xử lý. Trong khi đó, các DN còn lại vẫn vô tư xả thải vào hệ thống thoát nước chung dẫn vào đầm Nguyên Khê, rồi chảy thẳng ra sông Cà Lồ.
Tạm dừng hoạt động nếu không đấu nối
Theo đại diện đơn vị quản lý, khai thác Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Đông Anh, nguyên nhân chủ yếu khiến các DN chậm đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung nằm ở vấn đề kinh phí. Bởi khi ký hợp đồng đấu nối vào hệ thống xử lý chung, chi phí cho vấn đề môi trường của DN sẽ tăng.
Việc các DN không chấp thuận đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung được xem là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm đầm Nguyên Khê chưa thể khắc phục triệt để. Thời điểm khảo sát vào đầu tháng 10/2017, tại khu vực đầm Nguyên Khê nằm tiếp giáp cụm công nghiệp, tình trạng ô nhiễm nguồn nước rất đáng lo ngại. Dòng nước bị pha lẫn một màu đen kịt. Ngày nắng, nước trong khu đầm bốc mùi khó chịu. Đáng lo ngại khi dòng chảy của đầm Nguyên Khê dẫn vào sông Cà Lồ - nguồn cung cấp nước tưới rất quan trọng của địa phương. Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê Nguyễn Khắc Tuấn cho biết, khoảng 100ha đất canh tác nông nghiệp của bà con hiện chưa thể sử dụng nguồn nước đang bị ô nhiễm từ đầm Nguyên Khê phục vụ sản xuất. Nhiều người dân địa phương tỏ ra rất bức xúc, vì sau một thời gian dài, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, thời gian qua, địa phương rất rốt ráo trong việc xử lý ô nhiễm đầm Nguyên Khê. Theo đó, đã yêu cầu các DN có nguồn thải vào khu đầm có trách nhiệm phối hợp xử lý nguồn nước. Để không làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm, sau khi trạm xử lý nước thải tập trung hoàn thành, huyện đã yêu cầu các DN hoạt động tại Cụm công nghiệp vừa và nhỏ đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung để làm sạch nguồn thải thêm một lần nữ trước khi đưa ra ngoài môi trường. Trước tình trạng DN lừng khừng trong thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Đông Anh, ông Linh cho biết, sẽ cương quyết yêu cầu các DN phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. “Trong trường hợp các DN vẫn chây ì, không thực hiện nghĩa vụ đấu nối, chúng tôi sẽ xem xét tạm đình chỉ hoạt động của các đơn vị này” - ông Linh khẳng định.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần