Củng cố tài khóa để tăng trưởng bền vững

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mới nhất ra ngày 11/12 của Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến tăng trưởng (GDP) của Việt Nam năm 2017 đạt 6,7%.

Mức này cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức 6,4% WB đưa ra hồi đầu tháng 10. Đà tăng trưởng của Việt Nam mạnh hơn, song cũng cần thận trọng trước những cảnh báo rủi ro về chính sách trong trung và dài hạn.
Thêm những động lực mới

Lý do WB nâng mức tăng trưởng của Việt Nam là sức cầu trong nước mạnh hơn, các ngành dịch vụ, chế biến chế tạo, xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp đang từng bước phục hồi, là các yếu tố tạo động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam. “Lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu trong nước và tiêu dùng tư nhân ở mức cao. Đồng thời, kinh tế toàn cầu khởi sắc cũng trợ lực cho ngành nông nghiệp, các ngành chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Số lượng việc làm tiếp tục tăng với 1,6 triệu việc làm mới được tạo ra trong ngành công nghiệp chế tạo trong 3 năm qua và 700.000 việc làm mới được bổ sung ở các ngành xây dựng, bán lẻ và dịch vụ…” - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ tại buổi họp công bố báo cáo.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Partron Vina. Ảnh: Trần Việt

Về trung hạn, WB nhận định, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong giai đoạn 2018 – 2019. “Điều quan trọng là Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng chất lượng, bền vững dựa trên động lực thị trường. Thay vì tập trung yếu tố kích cầu để tăng trưởng trong ngắn hạn, Việt Nam nên tập trung giải quyết các hạn chế cố hữu của nền kinh tế để có tiềm năng tăng trưởng dài hạn tốt hơn” - WB khuyến nghị.

Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn

Chuyên đề đặc biệt “Điểm lại” kỳ này của WB tập trung vào chủ đề cải thiện năng suất và công bằng trong chi tiêu công. Theo WB, khi nợ công tiến sát hạn mức 65% GDP theo luật định, Chính phủ Việt Nam phải đối mặt với những hạn chế đòi hỏi phải thắt chặt ngân sách trong vài năm tới. Bà Vũ Hoàng Quyên - chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho biết, với nợ công đang ở mức cao, Việt Nam còn ít dư địa để có thể vận dụng chính sách tài khóa nhằm đối phó với biến động chu kỳ.

Trong khi nợ công tăng cao thì chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 70% tổng chi ngân sách (giai đoạn trước đó chỉ ở mức 63%). Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu, chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp, chi trả lãi các khoản vay. Trong đó, đặc biệt chi lương tăng mạnh, năm 2009 chi lương chỉ bằng 6,2% GDP, tới năm 2012 đã tăng lên 7,3% GDP và chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách Nhà nước, chủ yếu do tăng lương và tăng biên chế. Tinh giản biên chế, giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công là giải pháp quan trọng để giảm gánh nặng cho ngân sách.

Tình hình tài khóa đang được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm xuống và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế. Tuy nhiên, cắt giảm đầu tư công xuống còn 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 so với 25% trong những năm qua chưa hẳn đã bền vững về lâu dài khi Việt Nam vẫn cần đầu tư nhiều cho hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.

Cải cách đi vào thực chất hơn

Theo ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng của WB, Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng cần có, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và DNNN. “Hiện thoái vốn tại các DNNN vẫn khiêm tốn. Làm sao cổ phần hóa phải đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến hiệu quả hoạt động cho khối này” - ông Sebastian chia sẻ.

Về quan điểm chính sách tiền tệ, WB đánh giá, ngành ngân hàng Việt Nam đã có một số tiến bộ nhất định trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết số 42 của Quốc hội đã góp phần củng cố khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy xử lý nợ xấu tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro như số lượng nợ xấu còn rất lớn, vùng đệm về vốn chưa được "dày" trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao, tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng còn chưa được đảm bảo... Do đó, cần phải tăng cường hơn nữa hệ thống quản lý rủi ro với ngành ngân hàng, các chất lượng tài sản.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. FDI sẽ là động năng tăng trưởng cho Việt Nam ít nhất 5 năm tới. Việt Nam nên tận dụng sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào năng suất như thế nào để có tác động lan tỏa. Với 96% công ty trong nước là nhỏ và siêu nhỏ, giá trị chế tạo thấp, thiếu năng lực kết nối toàn cầu, Việt Nam cần xây dựng môi trường thuận lợi để có khối kinh tế tư nhân hoạt động hiệu quả hơn. Làm sao tạo môi trường, sân chơi công bằng hơn trong phát triển, tiếp cận đất đai, môi trường pháp lý.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Sebastian Eckardt
HSBC: Thu ngân sách từ thuế sẽ giảm

Cũng trong ngày 11/12, ngân hàng HSBC công bố báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam, trong đó đánh giá các hiệp định thương mại tự do (FTAs) khiến thu ngân sách thấp hơn. Cụ thể, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam dự kiến loại bỏ 700 dòng thuế bổ sung cho hàng hóa của ASEAN vào năm 2018, đưa tổng giá trị cắt giảm thuế của cả nước vào khoảng 97% từ mức 90% vào năm 2015. Nhiều mức thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng sẽ được giảm hoặc loại bỏ trong năm tới theo cam kết trong các FTA ASEAN + 1. Như vậy, mặc dù mang lại lợi ích cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng các FTA cũng làm giảm thu ngân sách, đặc biệt là với những hàng hóa nhập khẩu trước đây chịu thuế cao như ô tô, phụ tùng, điện tử… (Trâm Ngọc)