Cuộc bầu cử quyết định vận mệnh chính trị "Obama châu Á"

Hương Thảo (Theo CNN/Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Indonesia hôm nay (17/4) bắt đầu bỏ phiếu để tìm ra Tổng thống và Quốc hội mới trong cuộc bầu cử một ngày lớn nhất thế giới sau chiến dịch kéo dài 6 tháng qua.

Một công nhân chuẩn bị thùng phiếu trước khi phân phát đến các trạm bỏ phiếu trong một nhà kho ở Jakarta hôm 15/4.
8 giờ bỏ phiếu trên một quốc gia trải dài hơn 5.000km là cả một sự kỳ công nặng nề về vấn đề hậu cần, nhằm minh chứng cho khả năng phục hồi của nền dân chủ sau 2 thập kỷ bị o ép. Hầu hết các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy sự dẫn đầu hai chữ số của Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, tuy nhiên đối thủ chính Mitchowo Subianto đã tuyên bố trong một cuộc họp báo vào cuối ngày hôm qua rằng ông hoàn toàn có khả năng sẽ giành chiến thắng với 63% phiếu bầu.
Reuters dẫn lời một nhà phân tích cho rằng, một chiến thắng bất ngờ của phe đối lập nhiều khả năng sẽ kích hoạt một cuộc bán tháo ngắn ngủi trên thị trường tài chính Indonesia, trong khi một quan chức chính phủ cấp cao khẳng định chiến thắng sát sao với ông Widodo sẽ thúc đẩy Tổng thống tiếp tục và thậm chí đẩy nhanh cải cách kinh tế.
Khi Joko Widodo trở thành Tổng thống của Indonesia 5 năm trước, rất nhiều so sánh tương đồng giữa ông và Tổng thống Mỹ bấy giờ Barack Obama. Giống như cựu Tổng thống thứ 44 nước Mỹ, Joko - thường được gọi thân mật là Jokowi - xuất thân từ khu ổ chuột, lôi cuốn bởi lời hứa củng cố nhân quyền và trấn áp tham nhũng.
Dù lần này vẫn là đối thủ Mitchowo giống như năm 2014 nhưng bản chất lại là một trận chiến hoàn toàn khác với ông Jokowi khi hiện ông đang phải đối mặt với những lời chỉ trích, từ chính giới học giả và những người ủng hộ trước đây, rằng ông đã không chú trọng các vấn đề đã hứa như nhân quyền, đồng thời làm tổn hại các giá trị đa nguyên của bản thân để ghi điểm chính trị.
"Cũng như sự hưng phấn trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama", Ella Prihatini, một học giả của Trung tâm các quốc gia và xã hội Hồi giáo tại Đại học Tây Úc, nhận định khi nói về 5 năm đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Jokowi.
Tổng thống đương nhiệm của Indonesia Joko Widodo tiếp tục tranh cử. 
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính trị gia xuất thân là một doanh nhân nội thất đã có một số thành công nhất định, khi mở rộng quyền tiếp cận giáo dục và y tế cho người nghèo, triển khai các chương trình xã hội từ rất sớm và đã tạo ra 10 triệu việc làm mới trong 4 năm qua. Ông cũng có những bước tiến lớn về cơ sở hạ tầng khi xây dựng 950km đường thu phí, 3.400 km đường cao tốc, 40km cầu, 10 sân bay, 19 cảng và 17 đập mới. Đầu năm nay, nước này đã khai trương tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại Jakarta, nhưng quan trọng, đánh giá phê duyệt của Tổng thống hiện vẫn còn hơn 50%.
Tuy nhiên, kỳ vọng với Jokowi ở một số lĩnh vực vẫn còn là điểm trừ. Indonesia đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 5% - thấp hơn mục tiêu 7% của chính quyền Jokowi đề ra và ngang với những gì đã đạt được từ năm 2000. Chính ông Mitchowo đã nắm bắt được những thất bại về kinh tế của đối thủ để hứa cho phép giá lương thực tăng cùng chất lượng công việc tốt hơn.
"Việc trấn áp tham nhũng, bảo vệ nhân quyền hoặc bảo vệ người thiểu số của ông Jokowi cũng chẳng mấy ấn tượng", Vedi Hadiz, giám đốc và giáo sư nghiên cứu châu Á tại ĐH Melbourne nói.
Giống như ông Jokowi, ông Obama cũng từng phải đối mặt với những lời chỉ trích trong cuộc bầu cử lần 2, đặc biệt là từ những người ủng hộ trước đây khi đây chính là đối tượng mong đợi nhiều thay đổi huống với nhiệm kỳ đầu tiên.
"Hầu hết các nhà lãnh đạo vươn lên nắm quyền trên một làn sóng hy vọng cuối cùng đều khiến những người ủng hộ họ thất vọng khi phải đối mặt với thực tế của chính phủ", Ben Bland, giám đốc dự án Đông Nam Á tại viện nghiên cứu Lowy cho biết và dự báo: "Không thể tránh khỏi một sự tỏa sáng rồi vụt tắt mang tên Jokowi".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần