Cuộc cách mạng của sức mạnh toàn dân tộc

GS.TS Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học lịch sử quý giá. Phân tích về thắng lợi này, có thể thấy nổi lên hai nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến thành công, đó là từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng với lãnh tụ đầy uy đức, tài năng Hồ Chí Minh và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sức mạnh vô biên và bền chắc
Đi vào từng vấn đề cụ thể, có thể thấy, Đảng đã khơi đúng nguồn, quy tụ sức mạnh lại theo một véctơ lực từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu Đảng không làm được như thế, không thể có được thác lũ trùng trùng lớp lớp của mùa Thu năm ấy cuốn phăng ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, lập nên một chế độ chính trị hoàn toàn mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Chế độ cộng hòa dân chủ, tiến bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu
Không phải chỉ những người cộng sản mới nhìn thấy sức mạnh của Nhân dân, mà chế độ phong kiến cũng thấy và chế độ tư bản cũng thấy. Nhưng lực lượng Nhân dân là bao gồm những ai và hướng sức mạnh Nhân dân vào để nhằm giải quyết vấn đề gì thì giữa những người cộng sản với phong kiến, tư sản có sự khác nhau rất lớn. Đảng ta đã nhìn thấy đội quân chủ lực là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Nhưng, ở một nước thuộc địa - phong kiến, lực lượng cách mạng đâu chỉ có vậy. Tất cả các giai tầng, trừ bọn Việt gian phản động, đều có một “mẫu số chung” là muốn giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại bang, muốn nước nhà được độc lập, dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, muốn xây một cuộc đời mới mà trong đó mọi người đều được hít thở dưới bầu trời của nền độc lập, tự do trong tư thế của người làm chủ chứ không phải là người nô lệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi lực lượng đó là những con Hồng cháu Lạc, là “đồng bào” (cùng một bọc của Mẹ Âu Cơ), không phân biệt giai tầng, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, vùng miền... miễn là có lòng yêu nước.
Chẳng thế mà trong biển người tham gia Tổng khởi nghĩa của Cách mạng mùa Thu năm 1945, ngoài công - nông - trí ra, chúng ta còn thấy cả những địa chủ, tư sản dân tộc yêu nước… tham gia. Đó là lực lượng kết tinh từ niềm tin, từ mọi phía để đi đến cái đích cùng chung tay xây dựng cơ đồ mới cho dân tộc.
Điều này không phải mãi đến năm 1945 Đảng mới thấy, mà có từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đầu năm 1930 khi Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình thống nhất các tổ chức thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếc thay, quan điểm đó bị nhiều người hiểu sai trong một số năm.
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng theo tinh thần của Cương lĩnh ấy đã được phục hưng. Đó chính là lực lượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng T.Ư Đảng tại Hội nghị tháng 5/1941 tại Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đặt tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh).
Sức mạnh đó là sức mạnh từ số đông - đông đến mức biên độ tập hợp đáng kinh ngạc. Sức mạnh đó là vô biên và bền chắc vì Đảng và Bác Hồ hướng đúng đích. Nó là sự biểu đạt giá trị văn hóa của chủ nghĩa yêu nước hàng nghìn năm của dân tộc được thăng hoa vào cái thời điểm khi thời cơ đến để lay động mọi con tim đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa đưa dân tộc ta đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Bồi đắp thêm tinh thần đại đoàn kết
74 năm đã trôi qua. Thế giới đã đổi thay chóng mặt kể từ tháng Tám năm 1945, song bài học của mùa Thu cách mạng hào hùng vẫn còn đó. Vào thời điểm này nhìn lại, cũng là sau 50 năm toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải chăng chúng ta càng thấy rõ thêm một số vấn đề.
Trước hết, đó là phải luôn luôn chăm lo đến điểm quy tụ để đoàn kết toàn dân tộc. Điểm quy tụ này chính là cái chung nhất của lợi ích. Không thể đoàn kết được lực lượng của toàn dân tộc khi không có lợi ích chung nhất, đó là lợi ích vì một đất nước hùng cường, dân chủ, sánh vai với các cường quốc năm châu. Chia rẽ là con đường chết của mọi cuộc cách mạng. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải ngày càng được bồi đắp thêm như lớp lớp phù sa phổ lên đất Mẹ Việt Nam.
Do thế, mọi mưu toan và hành động, dù nhỏ, làm bào mòn, làm yếu đi khối đại đoàn kết toàn dân tộc đều đáng phải bị lên án. Hơn bao giờ hết, phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Cái lợi của cá nhân đều phải nằm trong lợi ích dân tộc. Quan hệ giữa Nhà nước – DN - người lao động đều phải được coi trọng và hài hòa. Sự phát triển bền vững chính là được xây trên cái nền giải quyết mối quan hệ đó.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cũng phải kết hợp với sức mạnh của quốc tế. Chúng ta đang sống trong một thế giới hội nhập, toàn cầu hóa. Chúng ta được cộng hưởng của tất cả các sức mạnh từ bốn phương tám hướng. Nhưng như thế không có nghĩa là ngồi đấy mà chờ, nếu thụ động đợi thiên hạ ban phát thì không xứng đáng có sức mạnh và có chỗ đứng bình đẳng trong một thế giới đầy năng động và không kém phần phức tạp.
Hơn bất cứ một lực lượng chính trị - xã hội nào, Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn luôn xứng đáng là người đứng ra quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế. Do vậy, hãy bắt đầu từ bản thân Đảng, hãy bắt đầu từ sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phải luôn tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân.
Chính vì thế, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta và Người viết rằng, các đồng chí từ T.Ư đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng có đoàn kết, mới có đoàn kết ở ngoài xã hội. Trong cấp ủy, trong lãnh đạo có đoàn kết được, mới có đoàn kết của một tổ chức. Đoàn kết trước hết từ bên trên, trước hết từ bên trong. Điều này như là một nguyên lý, như là điều kiện tiên quyết, như là điều then chốt của mọi then chốt.
Cách mạng phải tự bảo vệ - đó cũng là bài học quý báu từ Cách mạng tháng Tám. Tự mình yếu kém, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” là điều tối kỵ. Tự mình làm cho mình yếu đi thì còn nói gì đến đại đoàn kết toàn dân tộc. Vậy nên, mới có sự tự giác, tự răn mình, tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Mỗi một người khỏe mạnh là cả dân tộc khỏe mạnh - đó chính là tư duy lôgíc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi kêu gọi mọi người thường xuyên tập thể dục hằng ngày.
Theo tư duy đó, cũng có thể nói rằng, mỗi người dân Việt Nam, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, tất yếu sẽ làm cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn được củng cố và phát triển. Đó chính là hành động hợp quy luật và đó chính là cái tất yếu của mọi hành động cách mạng hiện nay theo đúng tinh thần quật khởi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần