Dán đề can phản đối thí điểm taxi công nghệ: Cạnh tranh không lành mạnh

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, nhiều taxi truyền thống tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đồng loạt dán các đề can với nội dung phản đối thí điểm loại hình taxi công nghệ, mà tiêu biểu là Uber và Grab.

Đây được xem là hình ảnh rất phản cảm, thậm chí là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh của taxi truyền thống.
Phản ứng yếu ớt và tiêu cực
Đề can được xe của các hãng taxi như Vinasun, Mai Linh… dán ở đuôi xe với nội dung như: “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”; “50.000 xe thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ đồng. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?” hay “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ luật pháp Việt Nam”… Các chuyên gia nhìn nhận, đây là một phản ứng tiêu cực, chẳng những không đem lại hiệu quả mà còn thể hiện sự yếu đuối của một bộ phận taxi truyền thống.
 Nhiều xe taxi truyền thống dán đề can mang khẩu hiệu phản cảm, đả kích taxi công nghệ. Ảnh: Ngọc Hải

Anh Trịnh Trung Hiếu (Hà Đông) cho biết: “Tôi cũng thấy ngỡ ngàng với kiểu phản đối này. Thay vì tốn tiền, tốn thời gian cho việc in, dán những đề can với nội dung phản cảm tại sao các hãng taxi không tập trung nâng cao chất lượng phục vụ và hạ giá cước để cạnh tranh với taxi công nghệ”. Thậm chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn cho rằng: “Việc dán đề can phản đối của các xe taxi truyền thống vô hình chung còn có tác dụng quảng cáo giúp cho Uber và Grab”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, taxi hiện đang được coi là một loại hình vận tải công cộng có sức lan tỏa trong cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh chung của các TP, trong đó có Hà Nội. Việc dán đề can, biểu ngữ lên xe cần phải cân nhắc và có trách nhiệm. Hơn nữa, hành vi này có thể bị xem như “nói xấu” đối thủ, vừa thể hiện sự yếu ớt của taxi truyền thống vừa vi phạm Luật Cạnh tranh hiện hành.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật?
Sau khi nhận phản ứng dữ dội từ dư luận, cùng với sự vào cuộc của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các xe taxi truyền thống đã bắt đầu gỡ bỏ đề can, khẩu hiệu phản cảm trên xe. Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho biết: “Hiện tượng này ở Hà Nội ít hơn ở TP Hồ Chí Minh, sau khi Sở GTVT có văn bản yêu cầu, các hãng cũng đã bóc gỡ hầu hết đề can, khẩu hiệu. Hiện chúng tôi đang tiếp tục giám sát, nếu có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh và các quy định khác sẽ xử lý DN và phương tiện liên quan”.
Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật Basico cho rằng, việc dán logo phản đối Uber, Grab là cách làm sai lầm nối tiếp sai lầm của một số xe taxi truyền thống. Một số nội dung quy kết Uber, Grab trốn thuế, hay có doanh thu đến 18.000 tỷ đồng… cần phải có bằng chứng xác thực. Ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh: “Cáo buộc với đối thủ của mình mà không có bằng chứng là vi phạm Luật Cạnh tranh, vì luật đã quy định DN không được phép nói xấu, gièm pha DN khác trong bất kỳ trường hợp nào”.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh kiểm tra, xem xét xem có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hay không. Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, Luật Cạnh tranh cấm DN bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN khác.
Các chuyên gia còn cho rằng, để xảy ra hiện tượng phản đối tự phát, phản cảm của một số xe taxi truyền thống trong những ngày qua không thể không xem xét trách nhiệm của các DN taxi. Bởi lái xe họ không thể thích dán gì thì dán, viết gì thì viết lên xe, làm méo mó hình ảnh, nhận diện thương hiệu của hãng. Do đó không loại trừ khả năng lái xe đã được DN "bật đèn xanh" từ trước.
Đây là việc làm bộc phát từ các tài xế chứ không phải chủ trương của đơn vị. Tuy nhiên, một số tài xế taxi Vinasun lại cho rằng, việc dán khẩu hiệu không phải hành động bộc phát từ phía họ.
Phó Tổng Giám đốc Vinasun
Tạ Long Hỷ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần