Cuộc chiến chống Covid–19: Chính phủ đã có những quyết sách hợp lòng dân

Công Thọ - Ngân Giang (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS - Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Đại biểu Quốc hội khóa 14) cho rằng, trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay, Chính phủ và các cấp chính quyền được người dân đồng lòng, cùng chung tay cùng phòng chống dịch. Và để được sự đồng lòng như vậy là bởi những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Chiến lược, đường lối rõ ràng
Thưa GS - Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, ông có thể cho biết nhận xét của mình trước sự vào cuộc của Chính phủ cũng như các tỉnh thành phố trong việc phòng chống dịch Covid -19 vừa qua?
- Tôi thấy, ngay từ giữa tháng 12/2019, Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Tổng chỉ huy chống dịch Covid-19 đã bắt đầu vào cuộc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Chính phủ có có chiến lược, đường lối rất rõ ràng, quyết liệt như ngăn chặn, phát hiện sớm; cách ly; khoanh vùng, dập tắt... Chính phủ áp dụng những giải pháp cao hơn cả mức khuyến nghị của WHO. Như vậy, chúng ta vào cuộc sớm và có chiến lược bài bài, rõ ràng ngay từ đầu.
 Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 16/3.
Quan trọng hơn, sự vào cuộc của Chính phủ, các cấp chính quyền được nhân dân đồng lòng, hưởng ứng. Dù đâu đó vẫn còn một hai trường hợp khai báo không trung thực, không chịu cách ly nhưng đó là số rất ít, cơ bản toàn dân đoàn kết, đồng lòng, cùng chung tay cùng phòng chống dịch với Chính phủ, các cấp chính quyền. Có được sự đồng lòng như vậy, là do Chính phủ đã đưa ra chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Đó là thành công về mặt đường lối, tổ chức. Kết quả, chúng ta đã có những thành công ban đầu trong cuộc chiến như Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc nói “chống dịch như chống giặc” mà ai cũng thấy thời gian qua.
Thưa GS, Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm cao nhất thế giới lúc đó bởi là nước giáp liền với vùng dịch từ Trung Quốc, quan hệ buôn bán, giao thương rất lớn. Nhưng cuối cùng chúng ta chỉ có 16 ca nhiễm và đều khỏi bệnh, ông đánh giá sao về điều này?
- Tôi có thể ví như này “cả trận Vũ Hán chúng ta có 16 người bị thương và đều chữa khỏi bệnh”. Trong khi đó, hãy nhìn sang các nước khác Singapore không có đường biên với Trung Quốc nhưng có 130 trường hợp nhiễm; Iran có hơn 4.000 ca nhiễm, hơn 100 người chết; Hàn Quốc hơn 6.000 ca; Nhật Bản... Chỉ cần nhìn vào các con số để thấy Việt Nam đã chống dịch hiệu quả như thế nào.

Ngay cả bây giờ, khi Covid-19 đang càn quét cả châu Âu, Mỹ thì Việt Nam mới mới chỉ có 76 ca nhiễm, trong đó, nhiều ca nhiễm “nhập cảnh” qua máy bay vào Việt Nam.
Tôi rất đồng tình, tin tưởng với việc chúng ta vào cuộc ngay từ đầu lựa chọn phương pháp phát hiện, cách ly kịp thời. Thủ tướng ngay từ đầu xác định “chống dịch như chống giặc”, không được chủ quan, lơ là, đó là sự chỉ đạo rất kịp thời.
Trong "cuộc chiến" chống dịch này, giải pháp hay kết quả nào làm ông ấn tượng nhất?
- Có hai điều rất đáng khâm phục. Thứ nhất là sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, của các lực lượng xã hội, tinh thần cả xã hội cùng vào cuộc chống dịch, trên dưới một lòng. Nhưng cảm kích nhất là hình ảnh y bác sỹ và cán bộ bộ đội, công an trong cuộc chiến. Họ lao vào cuộc chiến, chấp nhận rủi ro, thậm chí ảnh hưởng đến cả sức khỏe, nhưng không ai kêu ca một lời, không ai bỏ cuộc.
Nhưng cũng không thể không nhắc đến sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các cuộc họp liên tiếp, đưa ra chỉ đạo linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh, tình hình. Những hình ảnh đó, làm người dân an tâm, tin tưởng, và dành rất nhiều tình cảm.
Hoặc ở địa phương, Hà Nội với vị trí đầu não, trung tâm giao thương, đi lại, tập trung đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm cao hàng đầu đất nước đã chống dịch hiệu quả. Tôi nhớ ngày 7/3, khi dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, sự hoảng loạn nhen nhóm xuất hiện, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lên tiếng trấn an, cam kết đủ hàng hóa cho dân. Ngay sau đó, Hà Nội không còn cảnh chen nhau mua hàng tích trữ, hàng hóa đầy ắp các chợ, siêu thị, cuộc sống nhân dân trở lại bình thường.
Ngoài ra, tôi thấy rõ nét vai trò chuyên môn y tế của các Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Trường Sơn, Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh.
Thứ 2, các nhà khoa học của Việt Nam sớm nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV2 từ ngày 7/2 – những nước đầu tiên làm được việc này. Về mặt khoa học, chúng tôi xem đó là chiến công. Bởi vì khi mình nói chống dịch như chống giặc thì phân lập được virus chính là để “nhìn mặt đặt tên” giặc. Đó cũng là tiền đề tạo điều kiện cho việc sản xuất ra bộ kit xét nghiệm nhanh, tiếp đó là phát triển văcxin phòng chống. Việc phân lập thành công góp phần xứng đáng, có giá trị vào nền y học thế giới trong công cuộc phòng chống Covid-19.
Sau đó, Việt Nam chế tạo được bộ kit xét nghiệm nhanh, là 1 trong 7 nước đầu tiên làm được việc này. Quan trọng hơn, bộ kít chất lượng rất tốt, cho kết quả nhanh, được nhiều nước đặt mua. Trước đó, hầu như Việt Nam mình chưa làm được, nếu có làm nhưng chỉ làm tự dùng với nhau, chứ quốc tế không mấy khi công nhận, chưa nói đến đặt mua.
Qua những việc này, có thể cho phép chúng ta hy vọng về một nền công nghiệp sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, có lợi cho đất nước, cho bệnh nhân.
 Trong các cuộc họp, Hà Nội đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả phòng chống dịch Covid-19.
Kiên quyết với chủ trương đề ra
Là chuyên gia y khoa, GS có góp ý thêm gì cho Chính phủ, các cấp chính quyền trong cuộc chiến phòng chống dịch?
- Đại dịch Covid -19 hiện nay vẫn còn rất ác liệt, diễn biến còn hết sức phức tạp. Chúng ta cần tiếp tục kiên định, quyết liệt với chủ trương, các biện pháp của Chính phủ đề ra mà chúng ta đang thực hiện có hiệu quả. Nhưng cần lưu ý, hiện nay dịch bệnh đang lan rộng ra các nước trên thế giới, Việt Nam có nguy cơ lây nhiễm cao từ nước ngoài. Do vậy, cần phải siết chặt hơn, triệt để, nghiêm khắc hơn trong vấn đề tiếp nhận người nước ngoài.
Riêng với trường hợp người Việt trở về nước, đương nhiên, tôi rất đồng tình với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về quan điểm dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là “nghĩa đồng bào”, là tình “người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Nhưng rút kinh nghiệm hai bệnh nhân thứ 17 và 34 trong quá trình nhập cảnh cũng như khai báo y tế thiếu trung thực, né tránh, khai báo “nhỏ giọt” khiến công tác phòng chống dịch Covid -19 gặp rất nhiều khó khăn. Riêng bệnh nhân 34 ở Bình Thuận đã làm lây lan sang hơn 10 người và kéo theo hàng trăm người tiếp xúc F1. Do vậy, rút kinh nghiệm, cơ quan chức năng phải yêu cầu khai báo y tế phải trung thực, chính xác, rõ ràng.
Cũng là một đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị, đây là vấn đề nhân đạo, nên phải xem xét các chế tài nghiêm khắc với người khai báo không trung thực, hoặc người không chịu sự cách ly theo yêu cầu; người đi cách ly rồi bỏ trốn. Thậm chí cần phải xem xét hình sự những hành vi gian dối đó. Ngoài ra, người đưa tin sai lệch, bối xấu, bôi nhọ cũng phải phạt rất nặng.

Về việc cách ly, nên phân luồng, phân nhóm ngay trừ trên máy bay, chia ra các nhóm hợp lý để cách ly bắt buộc theo từng nhóm, mỗi nhóm có mức cách ly khác nhau cả về thời gian, mức độ. Ví dụ như nhóm ở vùng dịch về phải có mức cách ly cao hơn nhóm ở các nước khác. Hoặc nhóm vừa ở vùng dịch về, vừa có biểu hiện sốt phải cách ly ở mức cao nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần