Cuộc chiến chống “fake news” của các tòa soạn báo

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng xã hội phát triển đã mở rộng khả năng tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, điều này đặt ra một thách thức mới cho các tòa soạn: Đối phó vớ các tin tức giả mạo (fake news).

Nhà báo bị bắn chết đột nhiên sống lại

Gần đây nhất, fake news về việc nhà báo Babchenko, 41 tuổi, bị ám sát bởi 3 viên đạn từ phía sau đã khiến cả làng báo phương Tây bị bẽ mặt.

 Nhà báo Babchenko (giữa) người sống lại 24 giờ sau khi bị ám sát.

Ngày 29/5, xuất hiện thông tin nhà báo Babchenko đã bị bắn 3 phát đạn từ phía sau ở cầu thang chung cư mà gia đình ông đang cư ngụ ở Kiev, Ukraine. Ông phục vụ trong quân đội Nga trong cuộc chiến tranh ở Chechnya vào những năm 1990 và trở thành một trong những phóng viên chiến tranh nổi tiếng nhất của Nga. Năm 2017, ông Babchenko rời khỏi Nga sau khi ông và gia đình bị đe dọa vì đã không bày tỏ lòng thương tiếc đối với các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay quân sự của Nga. Vì vậy, khi thông tin này lan ra, Nga là quốc gia hàng đầu bị nghi ngờ đứng sau “âm mưu” ám sát. Ngoài ra, trong bối cảnh tư tưởng phản đối Moscow sau sự kiện sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng ở Ukaine ở phương Tây nhanh chóng biến thông tin này nhanh chóng lên “top” đầu.

Nhưng chỉ 24 giờ sau, ông Arkady Babchenko bất ngờ sống lại và giải thích, ông đang tham gia vào một kế hoạch của an ninh Ukraine. Ông Vasily Gritsak, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine cho biết, cơ quan này đã ngụy tạo cái chết của nhà báo Babchenko để truy bắt những kẻ đang tìm cách giết ông. Bộ Ngoại giao Nga gọi sự việc này là "một cuộc khiêu khích chống Nga" và rõ ràng được thiết kế cho mục đích tuyên truyền.

Ngoài Nga, Triều Tiên cũng là một nạn nhân của các thông tin giả. Thông tin về Triều Tiên thường ít khi được hé lộ. Đây là một phần nguyên nhân mà nhiều thông tin giả được “thêu dệt” về tình hình quốc gia bí ẩn này. Đơn cử là hồi năm 2013, nữ ca sĩ Hyon Song-Wol, được cho là bạn gái cũ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được truyền thông nước ngoài đưa tin đã bị xử tử. Sau đó vài tháng, cô Hyon Song-Wol xuất hiện kênh truyền hình của Triều Tiên, vẫn sống và khỏe mạnh.

Tháng 8/2013, Chosun Ilbo, một tờ báo Hàn Quốc đưa tin, cô Hyon Song-Wol và 11 nghệ sĩ nổi tiếng khác của Triều Tiên đã bị bắt do tham gia đóng phim khiêu dâm và bị xử tử. Asahi Shimbun, tờ nhật báo bán chạy nhất của Nhật Bản, cũng tham gia đưa tin. Cuối cùng, sau nhiều tháng đồn đoán về việc Hyon Song-Wol còn sống hay đã chết, cô đã xuất hiện trở lại trên sân khấu.

Độc giả mất lòng tin

Vấn nạn tin tức giả đã bùng phát và nhận được sự chú ý đặc biệt trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 bởi các tin tức này được cho là đã tác động lớn đến tâm lý của cử tri. Một phân tích của Buzzfeed cho thấy rằng những tin tức giả mạo được chia sẻ rộng rãi nhất trong năm 2016 là Đức Giáo hoàng Francis ủng hộ Donald Trump, bà Hillary Clinton bán vũ khí cho ISIS và giám đốc FBI nhận hàng triệu từ Quỹ Clinton…, hầu hết đều mang tính tiêu cực cho bà Clinton.

Tin tức giả tràn lan. 

Một cuộc khảo sát sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với 3.015 công dân Mỹ cho thấy, rất khó để người đọc phân biệt được tin giả và tin thật. Ngoài ra, một cuộc khảo sát trực tuyến khác với 1.200 cá nhân của Hunt Allcott và Matthew Gentzkow phát hiện ra rằng 50% người đọc tin vào nội dung của những tin tức giả.

Theo David Lazer, Viện nghiên cứu Brookings, về mặt tác động xã hội, thông tin giả rất nguy hiểm vì chúng có khả năng ảnh hưởng đến tiếp nhận của người đọc. Các tin tức giả có thể kích thích tư duy phân biệt đối xử và và thậm chí, trong trường hợp cực đoan, xúc tác cho bạo lực, ông nói thêm.

Sau vụ fake news về nhà báo Nga bị ám sát, cộng đồng nhà báo đã đồng loạt lên tiếng về tầm quan trọng của tính xác thực trong thông tin và nhấn mạnh, tính chân thực của báo chí đã bị tổn hại bởi các tin tức giả. Liên đoàn các nhà báo quốc tế (IFJ) khẳng định, việc tung tin một nhà báo đối kháng người Nga bị giết chết nhưng tái xuất hiện một ngày sau đó là điều “không thể dung thứ” và “không thể chấp nhận”. Ông Philippe Leruth, Chủ tịch của IFJ nói thêm rằng “việc này làm tổn hại nghiêm trọng đến độ tin cậy của thông tin”.

Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) đã lên án vụ việc thao túng truyền thông này là "kiểu giả mạo đáng buồn". Ông François Asselineau, chủ tịch Đảng Liên minh nhân dân cộng hòa (UPR) - ứng viên tranh cử tổng thống Pháp năm 2017 thì cho rằng, báo chí phương Tây đã bị bẽ mặt sau sự kiện này.

Cơ quan giám sát phương tiện truyền thông toàn cầu, Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders) cho biết, việc “nhào nặn” thông tin là vô cùng nguy hiểm. Một nhà báo cho rằng, dù với lý do gì, fake news chỉ khiến độc giả mất lòng tin với báo chí.

Các tòa soạn nghĩ phương kế đối phó tin giả

Trước "làn sóng" fake news bủa vây, các tổ chức nghiên cứu cũng như các cơ quan báo chí đã phải tìm mọi phương thức để phát hiện các tin tức giả. Học viện báo chí Poynter có trụ sở tại Florida đã thành lập Mạng lưới Kiểm tra Sự kiện Quốc tế (IFCN). Facabook hiện đã tham gia mạng lưới này. Theo đó, người dùng Facebook tại Mỹ và Đức hiện có thể gắn cờ các bài viết mà họ nghi ngờ là tin giả, sau đó các bài viết này sẽ được chuyển tới những người kiểm tra của bên thứ 3 độc lập đã đăng ký với IFCN.

Những người kiểm tra sự kiện này đến từ các tổ chức truyền thông uy tín như Washington Post hoặc trang web chuyên “bóc phốt” Snopes.com. Theo giám đốc IFCN Alexios Mantzarlis, nếu một thông tin được xác minh là “fake news”, người dùng mạng xã hội sẽ nhận được một cảnh báo nếu muốn chia sẻ thông tin này.

Hồi năm 2016, IFCN đã góp phần phát hiện 13 tin, bài giả trên tờ The Guardian (Anh). Các bài biết này là của Joseph Mayton, một phóng viên tự do và đã bị gỡ xuống sau khi bị phát hiện là tin giả. The Guardian bắt đầu nghi ngờ sau khi một số nguồn tin bị Mayton đề cập trong các bài viết cho biết họ chưa từng nói chuyện với phóng viên này. Sau đó The Guardian đã thuê một bên kiểm tra độc lập để xác minh lại thông tin trên và phát hiện ra nhiều bằng chứng khác cho thấy Mayton đã bịa đặt các câu chuyện như viết về các sự kiện mà mình không hề tham dự hoặc bịa ra các cuộc phỏng vấn.

Còn tại Pháp, trong năm 2009, Le Monde, một trong những tờ báo lớn nhất của Pháp, thành lập một công cụ kiểm tra thông tin có tên là Les Decodeurs. Khi sử dụng công cụ này, nếu người dùng truy cập vào một website tin giả, họ sẽ nhận được một cảnh báo, Samuel Laurent, biên tập viên của Les Decodeurs nói.

Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Dodd cho rằng, ngoài các các giải pháp kỹ thuật, ông đề xuất kết hợp chương trình về tư duy phản biện vào các chương trình học của nhà trường. Thậm chí, ở Đức, các nhà làm luật còn đề xuất phạt những người đăng tin tức giả mạo.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần