Cuộc chiến của tự do thương mại và bảo hộ

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận đang dõi theo cuộc đối đầu giữa ông Macron - đại diện cho chủ nghĩa tự do thương mại và bà Le Pen, theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Hai ứng viên hàng đầu cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử ở Paris khi cuộc đua vào Điện Elysée trở nên căng thẳng và khó đoán bậc nhất bắt đầu bước vào chặng đua cuối.
 Hai ứng viên sáng giá trong cuộc bầu cử Pháp: bà Le Pen (trái) và ông Macron.
4 ứng cử viên đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp gồm ông Emmanuel Macron, bà Marine Le Pen, ông Jean-Luc Melenchon và cựu Thủ tướng Francois Fillon. Kết quả cuộc thăm dò mới nhất của hãng Ipsos-Sopra Sterna cho thấy, ông Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen dự kiến có thể nhận được 22% phiếu bầu trong vòng 1 cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 23/4 tới, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng cử viên Jean-Luc Melenchon là 20% và ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon là 19%.

Hiện, dư luận Pháp và quốc tế đang dõi theo cuộc đối đầu giữa ông Emmanuel Macron - đại diện cho chủ nghĩa tự do thương mại và bà Le Pen - người theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và từng tuyên bố sẽ nối gót Anh thực hiện Frexit (Pháp rút khỏi Liên minh châu Âu). 
 Ông Macron đang là hy vọng chiến thắng chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại.
Ông Macron từng là Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Francois Hollande vào năm 2014 và được miêu tả như là một ứng cử viên ủng hộ cho toàn cầu hóa. Trong cương lĩnh tranh cử, ông Macron cam kết ủng hộ cộng đồng doanh nhân với đề xuất cắt giảm thuế DN. Đặc biệt, ông Macron nổi lên như một ứng viên trẻ trung, có sức thu hút với một chiến dịch tràn đầy năng lượng và tích cực về tương lai của Pháp. Thậm chí, nhiều người đã ví ông Macron là "Obama của nước Pháp". 
Trong khi đó, ứng viên Le Pen giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ thương mại, chủ trương áp thuế cao đối với các công ty Pháp thuê lao động nước ngoài và yêu cầu các nhà bán lẻ phải bày bán một tỷ lệ nhất định các sản phẩm sản xuất trong nước. Đồng thời, nữ ứng viên này hứa hẹn đảm bảo các vấn đề phúc lợi và việc làm cho người dân Pháp. 
Sau một loạt các động thái cho thấy chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại đang lên ở nhiều quốc gia như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, việc Anh rút khỏi EU, kết quả của cuộc bầu cử Pháp có vai trò quyết định trong việc định hình xu hướng chính trị và kinh tế ở châu Âu. Nếu bà Le Pen giành chiến thắng, khả năng châu Âu thêm rạn nứt và đối mặt với một cuộc khủng hoảng về mặt cấu trúc trở nên hiện hữu hơn.
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là, kết quả thăm dò vừa qua cho thấy, khoảng 1/3 trong số 45,7 triệu cử tri Pháp có thể bỏ phiếu trắng. Điều này khiến cuộc đua vào Điện Elysée càng trở nên khó đoán do các nhà phân tích nhận định, số cử tri đi bầu đông sẽ có lợi cho 2 ứng cử viên Macron và Fillon. Theo kết quả thăm dò, bà Le Pen và ông Melenchon có thể được lợi vế số phiếu nếu tầng lớp lao động đi bầu cao. Ngoài ra, khoảng cách chênh lệch không đáng kể trong tỷ lệ ủng hộ giữa 4 ứng viên hàng đầu khiến kết quả vòng 1 là một "ẩn số" khó đoán định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần