Cuộc chiến giảm giá sốc của các cửa hàng giáp Tết

Theo Zing.vn
Chia sẻ Zalo

Trước Tết được cho là thời điểm mua sắm lớn trong năm. Nhiều cửa hàng đang tận dụng tối đa chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng.

“Xả hàng toàn bộ”, “Siêu giảm giá cuối năm”, “Sales off up to 70%”… là những cụm từ xuất hiện nhiều tại các cửa hàng thời trang vào thời điểm hiện tại.
Ồ ạt giảm giá sốc

Trên những con phố lớn kinh doanh thời trang tại Hà Nội như Kim Mã, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Trần Đăng Ninh, Đại La…, các biển hiệu giảm giá xuất hiện nổi bật thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Nhiều cửa hàng còn in hình giảm giá chiếm toàn bộ mặt tiền của mình để thu hút khách hàng.
Các cửa hàng treo biển giảm giá cao trên phố Kim Mã (Hà Nội). Ảnh: Hiếu Công.
Khảo sát của PV tại phố Cầu Giấy - một trong những phố bán hàng thời trang lớn nhất thủ đô - cho thấy chỉ một đoạn đường dài khoảng 200m nhưng có tới 40 cửa hàng treo biển giảm giá cuối năm.
Các con số giảm giá phổ biến là 20 - 40%. Cá biệt, một số cửa hàng treo biển giảm giá 60 - 70%. Ngoài ra, còn có nơi niêm yết hẳn giá bán sản phẩm tại mặt tiền với các con số 89K, 99K, 149K, 199K, 249K… tương ứng với giá tiền từng sản phẩm.
Ngoài giảm giá, chiêu tặng quà khách hàng cũng được nhiều cửa hàng áp dụng. Mua 2 tặng 1, hóa đơn trên 1 triệu đồng được tặng một sản phẩm khác, quà tặng cho bé khi bố mẹ mua hàng, tặng cà vạt, tất khi mua các sản phẩm áo sơ mi, quần… là những kiểu khuyễn mãi phổ biến.
Anh Đỗ Văn Dũng (36 tuổi), chủ một cửa hàng thời trang nam trên phố Cầu Giấy cho biết anh đang tận dụng thời điểm mua sắm cận Tết để bán được nhiều hàng nhất có thể. Cửa hàng của anh đang giảm giá toàn bộ các sản phẩm với mức giảm 20%, một số sản phẩm là 40 - 50% và có khoảng 2 mặt hàng lên đến 70%.
“Tôi đã chuẩn bị số lượng hàng lớn từ trước Tết cả tháng sau đó là chuẩn bị các chương trình khuyến mại và thuê thêm nhân viên cho đợt hàng Tết này. Đây là dịp mua sắm rất lớn, nếu không tận dụng thì ra giêng hàng rất chậm”, anh Dũng cho biết.
Chị Bùi Thị Thủy (29 tuổi) - chủ một của hàng thời trang khác - cho biết thêm đây không chỉ là thời điểm mua sắm lớn mà còn là lúc để các điểm bán xả hàng tồn trong năm. Nếu để ra Tết sẽ khó bán vì người tiêu dùng chỉ quan tâm đến các loại đồ cho mùa mới.
Tại cửa hàng của chị Thủy, các mặt hàng đang được giảm giá 20 - 30%, tùy từng sản phẩm. Một số mặt hàng khác chị giảm giá đến 40 - 50% trên mỗi sản phẩm.
Khách hàng vẫn muốn giảm thêm

Nguyễn Lan (sinh viên Đại học Quốc Gia) cho biết các cửa hàng giảm giá dịp cuối năm là cơ hội rất lớn để những người thu nhập bình thường hoặc không có nhiều tiền như Lan mua được hàng. Sinh viên này đã mua được tới 4 sản phẩm mà bỏ ra chỉ 600.000 đồng tại một cửa hàng trên phố Xuân Thủy. Trong khi đó, mức giá trước đây của các sản phẩm này đắt hơn gấp 1,5 - 2 lần.
Anh Hồ Nam (32 tuổi, quận Nam Từ Liêm) cũng chia sẻ anh đã mua được một bộ complet rất ưng ý để diện Tết với giá chỉ bằng 60% ngày thường. Thậm chí, anh còn được tặng thêm tất và cà vạt. Vợ anh cũng mua được một số đồ mặc chơi Tết và được giảm giá 30% tại một cửa hàng gần đó.
Tuy nhiên, Phương Liên (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng các cửa hàng chỉ giảm giá những sản phẩm cũ, sản phẩm tồn kho, hay hết size… còn những hàng đẹp, mới nhập về giảm giá không nhiều.
“Em thấy mức giảm giá cao đến 60 - 70% chỉ là những mặt hàng đã quá cũ, thậm chí gọi là ế của các cửa hàng, còn những mặt hàng mới và đẹp thì giảm giá không nhiều”, Liên chia sẻ thêm.
Đồng tình, chị Nguyễn Thị Minh (quận Cầu Giấy) nói rằng chị bị thu hút bởi tấm biển giảm giá 70% tại một cửa hàng trên phố Kim Mã. Nhưng khi vào bên trong thì chị thấy mức giảm chỉ là 70% cho 2 mặt hàng đã quá cũ. Đa phần các mặt hàng khác chỉ giảm 10 - 20%. Điều đặc biệt, khi giảm 10 - 20% thì giá của các sản phẩm trên vẫn khá cao.
Chị Bùi Thị Thủy thừa nhận cửa hàng của chị chỉ giảm giá sốc chỉ vài mặt hàng để thu hút khách. Số còn lại sẽ giảm giá tùy theo từng mặt hàng. Việc giảm giá còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giá nhập, chi phí mặt bằng, nhân công, các chi phí khác.
“Tôi sẽ căn cứ vào điểm hòa vốn của từng sản phẩm để giảm giá. Nhiều khi rất muốn giảm giá thêm nhưng cũng phải tính đến các khoản chi phí. Tuy có mặt hàng không giảm giá nhiều nhưng từ khi áp dụng các chương trình khuyến mại, hàng của tôi đã bán 'chạy' hơn rất nhiều, thậm chí cao hơn cùng kỳ năm ngoái”, chị Thủy cho biết thêm.
Anh Đỗ Văn Dũng cũng cùng quan điểm và cho rằng anh sẽ căn cứ vào điểm hòa vốn để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, cửa hàng anh luôn cố gắng giảm giá cao nhất để cạnh tranh với các hàng cùng loại. Anh Dũng cũng bày tỏ: “Tôi quan điểm, lãi ít mà bán được nhiều còn hơn là ế ẩm”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần