“Cuộc chiến” giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống: Đã đến hồi kết

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ ngày 1/4, Nghị định 10/2020/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chính thức có hiệu lực. Đây cũng sẽ là dấu mốc mang tính chất bước ngoặt, chấm dứt cuộc chiến dai dẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ kéo dài trong suốt nhiều năm qua.

 Taxi truyền thống vận hành trên phố Tràng Tiền. Ảnh: Hải Linh
Lựa chọn khôn ngoan của “ông lớn” Grab
Trong số các DN taxi công nghệ, Grab được biết đến là một “ông lớn” với tiềm lực mạnh cùng thị phần rộng lớn. Và trước khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP ra đời, câu chuyện gây ra nhiều tranh cãi nhất chính là việc định danh “gã khổng lồ” trong lĩnh vực xe công nghệ này. Trong nhiều năm trời, với việc nắm bắt được “khe hở” trong hành lang pháp lý về điều kiện kinh doanh vận tải ở nước ta, Grab đã lựa chọn cho mình một mô hình hoạt động rất khôn ngoan.
“Bộ GTVT đã triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 10/2020/NĐ-CP sớm hơn tiến độ yêu cầu. Sau khi thẩm định xong không có gì vướng mắc sẽ trình lãnh đạo Bộ ký ban hành. Những quy định đối với từng loại hình vận tải, trong Nghị định đã khá rõ nên DN cần căn cứ để thực hiện. Lựa chọn theo loại hình nào phải theo quy định của loại hình đó”.
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) – Trần Bảo Ngọc
Một mặt DN này luôn tự nhận chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải nhưng mặt khác Grab hoạt động không khác gì một DN kinh doanh vận tải khi trực tiếp quyết định giá cước vận tải cũng như can thiệp vào nhiều lĩnh vực khác, vốn không dành cho đơn vị chỉ cung ứng phần mềm gọi xe. Tuy nhiên, khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, cách làm của “ông lớn” xe công nghệ này sẽ không còn “đất dụng võ”.
Ngoài việc Nghị định 10/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, ngày 1/4 cũng đánh dấu thời điểm Quyết định về thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là taxi công nghệ) của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hết thời hiệu. Từ đây, tất cả các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Họ sẽ có hai sự lựa chọn, hoặc là chuyển đổi sang DN vận tải, hoặc chỉ đơn thuần cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. Tức là DN sẽ không được trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe cũng như không quyết định giá cước vận tải. Đây chính là quy định mang tính chất quyết định trong việc định danh đâu là DN vận tải, đâu là đơn vị cung ứng phần mềm đơn thuần.
Ngay trước thời điểm ngày 1/4, Grab đã phát đi tuyên bố đã có lựa chọn hình thức kinh doanh cho mình, đồng thời khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm túc Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Cụ thể, Grab cho biết đang phối hợp với Bộ GTVT và các sở GTVT để thực hiện các thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải, bằng xe ô tô cho dịch vụ Grab car. Hình thức kinh doanh mới của DN này vẫn tiếp tục mô hình là nền tảng công nghệ cung cấp đa dịch vụ.
Cả hai cùng hưởng lợi
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia Giao thông nhận định, thời điểm Nghị định 10/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực nhiều khả năng cũng là lúc “cuộc chiến” giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống vốn kéo dài suốt nhiều năm qua sẽ chính thức dừng lại. “Rõ ràng Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã “cởi trói” cho cả hai bên (cả taxi công nghệ và taxi truyền thống – PV) khi cho cả hai quyền lựa chọn đeo mào (hộp đèn – PV) hoặc phù hiệu dán trên kính xe. Quy định này đã triệt tiêu cuộc tranh cãi về nhận dạng đối với taxi công nghệ lâu nay” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Về câu chuyện định danh cho taxi công nghệ, TS Nguyễn Hữu Đức phân tích, với quy định tại Điều 3 và Điều 35 trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Grab hay bất cứ DN xe công nghệ nào hiện nay đều bắt buộc phải đưa ra sự lựa chọn hoặc là DN kinh doanh vận tải, hoặc là đơn vị cung cấp phần mềm gọi xe đơn thuần chứ không thể “lửng lơ” ở giữa rồi hưởng lợi như trước kia. TS Nguyễn Hữu Đức đánh giá, việc Grab tuyên bố sẽ xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho dịch vụ Grab Car là lựa chọn khôn ngoan. Bởi DN này thừa hiểu, sự ra đời của Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã “bịt kín” mọi “khe hở” pháp lý về về điều kiện kinh doanh vận tải trước kia. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình từ nền tảng công nghệ đa dịch vụ mà Grab đã xây dựng và phát triển trong những năm qua sẽ cho phép DN này tiếp tục giữ vững được thị phần rộng lớn của mình.
Đặc biệt, với việc Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định tất cả các loại hình kinh doanh vận tải đều được ứng dụng khoa học công nghệ, trong quản lý và điều hành hoạt động vận tải thì Grab đương nhiên sẽ được mở rộng phạm vi hoạt động của mình trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chứ không bó hẹp tại 5 tỉnh thành như trước kia. “Không chỉ Grab mà các DN taxi truyền thống cũng được hưởng lợi từ Nghị định 10/2020/NĐ-CP, nhất là khi họ không bắt buộc phải đeo mào như trước kia. Đây là quy định tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị kinh doanh vận tải” – TS Nguyễn Hữu Đức nhận định.
Tuy nhiên, theo Chuyên gia Giao thông này, chính quy định “cởi trói” cho DN vận tải này, vô hình chung sẽ khiến các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan chức năng gặp khó khăn, trong công tác quản lý và xử phạt vi phạm. Đơn giản vì nếu các xe taxi đều lựa chọn dán logo trên kính xe thay vì lắp hộp đèn như trước kia, sẽ rất khó để nhận dạng, nhất là vào ban đêm. “Trên thực tế, các nước trên thế giới vẫn đang bắt buộc xe taxi phải đeo hộp đèn. Đây vẫn là phương thức nhận diện tốt nhất” – TS Nguyễn Hữu Đức kết luận.
Liên quan đến việc lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đại diện BeGroup cho biết sẽ hoạt động theo loại hình xe hợp đồng. Hiện, BeGroup đã gửi văn bản thông báo đầy đủ đến các tài xế và hợp tác xã về việc yêu cầu thực hiện dán cố định decal có cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe, với kích thước tối thiểu là 6x20cm để hành khách nhận diện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần