Cuộc chiến ngăn chặn tai nạn giao thông còn kéo dài

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, trong 4 ngày nghỉ Lễ từ 29/4 - 1/5, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông chuyển đến bệnh viện tăng vọt so với ngày thường.

Nhiều bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu cao. Tình trạng sau khi uống rượu, bia vẫn tham gia giao thông được xem là khó giải quyết, trong khi nó đang gây ra nhiều hiểm họa.
Nỗi ám ảnh
Nhìn vào con số thương vong trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay cho thấy, tình hình TNGT đã có chuyển biến tích cực khi giảm sâu trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đó là điều đáng mừng, tuy nhiên, thương vong vẫn xảy ra, những nỗi đau vẫn hiện hữu. Bởi thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua (từ ngày 28/4 - 1/5), trên địa bàn cả nước xảy ra 113 vụ TNGT làm chết 79 người, bị thương 79 người.
Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe.
Và thêm buồn hơn, là kỳ nghỉ lễ vừa kết thúc, ngay trong sáng nay (2/5), trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, điển hình là khoảng 6h30, trên QL20 (đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), xe khách Phương Hải BKS 49B-009.59 từ Đà Lạt đi TP Hồ Chí Minh đã đâm trực diện vào xe tải BKS 49C-085.41. Vụ tai nạn khiến 1 người chết, 13 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế ô tô khách vượt không đúng quy định nên tông vào xe tải.
Nhìn vào thực trạng mất ATGT hiện nay, nhiều chuyên gia giao thông đều thống nhất cho rằng, bên cạnh những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, thì còn có nguyên nhân rất lớn xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của một bộ phận người dân còn kém, đặc biệt là hành vi: Không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; đi sai phần đường làn đường; chuyển hướng không chú ý quan sát; đối tượng liên quan tới TNGT phần lớn là người đi xe mô tô, xe gắn máy...

Điều đáng nói trong những nguyên nhân trên, có một nguyên nhân luôn được đưa lên hàng đầu, được liệt kê suốt nhiều năm qua và liên tục đưa ra cảnh báo nhưng vẫn có không ít người điều khiển phương tiện vi phạm, đó là “lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn” (tạm gọi là ma men). Trên thực tế, từ nhiều năm qua, xác định được mức độ nghiêm trọng của hành vi sử dụng đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đối với nguy cơ gây TNGT, đã có không ít quy định được ban hành với những chế tài xử phạt rất nặng đối với hành vi này. Tất cả đều nhằm mục đích hạn chế tối đa những ma men tham gia giao thông mang theo mầm họa gây TNGT cho người khác. Tuy nhiên, bất chấp chế tài xử phạt rất nặng, câu chuyện về những vụ TNGT do ma men gây ra vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại sau những kì nghỉ lễ, tết trong suốt nhiều năm qua.
Thủ phạm "ma men" vẫn hoành hành
Lãnh đạo Phòng CSGT ở một tỉnh miền núi phía Bắc, khi nhắc đến công tác xử lý ma men trong những kỳ nghỉ lễ, Tết ở địa phương đã thẳng thắn thừa nhận, sẽ còn rất lâu nữa mới có thể loại bỏ được hoàn toàn tệ nạn này ở địa phương.
Trên thực tế, sợ bị phạt nặng, bị tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn, nhiều người cũng đã có ý thức hạn chế sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhưng khi mà cả làng, cả bản uống rượu, bia thì có muốn tránh cũng khó. Khi đã uống rượu say rồi thì nỗi sợ hãi bị phạt nặng không còn tồn tại trong tiềm thức nữa. Lúc đó người ta sẽ hành xử, lái xe theo bản năng. Do vậy, việc tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông rất cần tiếp tục thực hiện rốt ráo hơn, hình thức phong phú đa dạng hơn...
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: “Hàng năm, chi phí cho việc khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia là rất lớn. Vì vậy, Chính phủ xác định tăng cường phòng - chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong giai đoạn hiện nay”.
Những nạn nhân tử vong do TNGT để lại bao nỗi đau khôn xiết cho gia đình, người thân. Người bị thương ở lại tàn tật suốt đời trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là những tổn thất không gì đo đếm được. Còn với người tham gia giao thông hàng ngày trên mọi nẻo đường, vẫn không thôi nơm nớp, lo sợ, bởi tai nạn vẫn vẩn vơ như những “bóng ma” vô hình. Và cuộc chiến xóa bớt đi những nỗi ám ảnh từ TNGT có lẽ vẫn còn kéo dài, cho đến khi cả xã hội cùng tham gia giao thông một cách có văn hóa.
Trong năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an lên kế hoạch mở 3 đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Trong đó, đợt một diễn ra từ 16/4 - 15/5; đợt hai từ ngày 16/5 - 15/9 và đợt ba từ 16/12 - 15/2/2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần