Cuộc chiến tái thiết vẫn kéo dài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bầu không khí đau thương đang bao trùm đất nước Nhật Bản với các cuộc tưởng niệm nhân 70 năm ngày Tokyo bị dội bom khiến 100.000 người thiệt mạng và 4 năm xảy ra thảm họa động đất, sóng thần cướp đi sinh mạng 19.000 người.

Dù công cuộc tái thiết tại khu vực thảm họa khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên nhưng với người Nhật, đây vẫn là một cuộc chiến kéo dài và cam go.

 
Sau 4 năm trận sóng thần xảy ra, những phụ nữ này vẫn phải làm việc tại một khu nhà ở tạm ở TP duyên hải Minamisanriku, tỉnh Miyagi của Nhật Bản. 	Ảnh: AFP
Sau 4 năm trận sóng thần xảy ra, những phụ nữ này vẫn phải làm việc tại một khu nhà ở tạm ở TP duyên hải Minamisanriku, tỉnh Miyagi của Nhật Bản. Ảnh: AFP
Ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ richter tấn công Nhật Bản phá hủy một phần rộng lớn khu vực Đông Bắc gây ra nỗi đau mất mát chưa từng có về người. Ngoài 19.000 người thiệt mạng được xác nhận danh tính, vẫn còn khoảng 2.600 người có mặt trong danh sách mất tích. 4 năm kể từ khi xảy ra thảm họa, công cuộc tái thiết các vùng đất đau thương này đã nhận được sự góp sức từ những người đang sinh sống, làm việc trên khắp đất nước Nhật Bản cũng như nước ngoài. Sau thảm họa, Iwasa Hiroki – một doanh nhân thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin quyết định trở về quê nhà ở tỉnh Miyagi để khôi phục hoạt động sản xuất dâu tây - đặc sản địa phương bị phá hủy hoàn toàn sau thảm họa. Những người như Iwasa Hiroki đã tiếp thêm sinh lực cho công cuộc tái thiết đất nước với nhiều bước tiến.

Tuy nhiên, giới chức nước này thừa nhận, con đường tái thiết còn đối mặt với nhiều thử thách khi hơn 40% DN tại đây vẫn đang gặp khó khăn, nhất là vấn đề kiểm soát lượng nước phóng xạ bị rò rỉ tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Các chuyên gia dự đoán có thể mất tới 30 năm để khắc phục.

Tại Fukushima - khu vực bị cấm xâm nhập do ảnh hưởng của nồng độ phóng xạ, mọi vật vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Hình ảnh chiếc đồng hồ dừng lại ở 14 giờ 46 - thời điểm xảy ra thảm họa hay chồng báo phát hành ngày 12/3 vĩnh viễn không bao giờ đến tay độc giả đã nhắc nhớ mọi người về một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Và để nỗi đau khủng khiếp không lặp lại, những người may mắn sống sót ngày đêm nghiên cứu để hoàn thiện thiết kế công trình làm suy yếu sức mạnh của sóng thần hay các dụng cụ sơ tán sử dụng thiết bị công nghệ cao. Ngọn đồi nhân tạo được làm từ đá vụn có tên là Sennen Kibo no Oka (Đồi ngàn năm hy vọng) để ngăn sóng thần hay nơi trú ẩn hình con thuyền được lắp đặt tại một nhà trẻ hoặc điện thoại thông minh chỉ dẫn đường sơ tán…

Dẫu biết nỗ lực tái thiết sau thảm họa sẽ đầy khó khăn, nhưng với sự lạc quan và ý chí kiên cường, cộng đồng quốc tế vẫn luôn tin tưởng, Nhật Bản sẽ vượt qua, xây dựng khu vực Đông Bắc trở thành vùng đất trù phú nhất, bình yên và hạnh phúc nhất.

 
Các hoạt động tưởng niệm đã diễn ra tại Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Hãng sản xuất bút máy và đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ Montblanc sắp tung ra thị trường 113 cây bút - con số gắn liền với thời điểm xảy ra thảm họa ngày 11/3 được làm từ gỗ của cây thông may mắn trụ lại được sau thảm họa. Chiếc bút máy này có giá khoảng 4.400 USD/chiếc và 20% doanh thu sẽ được dành tặng cho người dân vùng bị thảm họa.