Cuộc chiến trường kỳ với nước của "thành phố trăm hồ"

Hương Thảo (Theo The Guardian)
Chia sẻ Zalo

Kintedothi - Với TP Vũ Hán của Trung Quốc, giải pháp cho vấn đề ngập úng chính là "trở thành dòng sông thay vì cố chiến đấu với dòng nước".

Vũ Hán - nơi hợp nhất của sông Hán và sông Dương Tử - nhìn từ trên cao. 
Thành phố bọt biển
Vũ Hán từng được biết đến là thành phố của trăm hồ, với 127 hồ tính riêng khu vực trung tâm TP vào những năm 1980, tuy nhiên sau nhiều thập kỷ đô thị hóa nhanh chóng thì nay chỉ còn khoảng 30 cái tồn tại. Dạo quanh những con đường có tên gọi gợi nhớ đến những ao, hồ đã bị san lấp tại trung tâm TP Vũ Hán, chúng ta sẽ không thể gặp bất kỳ khối nước lớn nào đáng kể. Tuy nhiên, đó sẽ là một câu chuyện khác vào những ngày mưa lớn nơi đây.
Nằm ở vị trí giao giữa sông Dương Tử và sông Hán, TP trũng thấp - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc này luôn dễ bị ngập lụt, đặc biệt là trong những tháng mùa hè. Ám ảnh nhất chính là trận đại hồng thủy năm 2016, khi toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm và đường sá đều chìm trong biển nước, cướp đi sinh mạng của 14 người và khiến nhiều cộng đồng dân cư bị cô lập ngay tại nội thành.Thiệt hại kinh tế từng được ước tính gần 2,3 tỷ NDT.
Chính quyền thời điểm đó đổ lỗi cho hệ thống thoát nước kém và đặc điểm địa hình thấp của Vũ Hán khiến nước mưa khó có thể xả vào sông Dương Tử. Nhiều người dân địa phương thì đổ lỗi cho sự sụt giảm của loạt ao, hồ trong TP. Trận lụt năm 2016 như một hồi chuông cảnh tỉnh, đặc biệt là khi dự đoán dân số Vũ Hán sẽ vượt quá 10 triệu người vào năm 2035, khiến mọi nguy cơ càng trở nên nghiêm trọng.
Một năm trước trận lũ lịch sử, Vũ Hán đã được chọn để trở thành một trong 16 "thành phố bọt biển" đầu tiên của Trung Quốc - những nơi thí điểm các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho hệ thống chống, thoát nước truyền thống. Từ đó, 228 dự án đã được triển khai nhanh chóng tại hai quận thí điểm là Thanh Sơn và Thái Điện nhằm cải tạo không gian công cộng, trường học và khu dân cư với các tính năng thấm hút tốt như "bọt biển". Tính đến nay, hơn 38,5km2 của TP đã được tân trang, với tổng chi phí lên tới 11 tỷ NDT.
Công viên Nanganqu, nằm gần một công ty sắt thép lớn ở phía Đông, từng là một mương thoát nước bẩn của Vũ Hán vào những năm 1980. Nó trở thành khu vui chơi giải trí vào những năm 1990 và vào năm ngoái đã được biến đổi thành một khu "bọt biển" - với mặt đường thấm hút và nhiều ao, hồ nhân tạo. Những khu như thế này sẽ có khả năng hấp thụ tốt một lượng mưa lớn đột biến thông qua đất và giữ nó trong các đường hầm hay bể chứa ngầm dưới lòng đất và chỉ xả nó ra sông khi mực nước đủ thấp.
Theo kế hoạch "thành phố bọt biển", Vũ Hán và các khu vực tham gia khác phải đảm bảo việc 20% đất đô thị của mình phải có các tính năng bọt biển vào năm 2020, với mục tiêu có thể giữ lại 70% nước mưa. Đối với Vũ Hán, điều này tương đương với hơn 170km2 trong tổng diện tích đô thị là 860km2. Tính tới năm 2018, các dự án "bọt biển" đã được triển khai tại 9 quận trong TP này.
Người dân Vũ Hán vượt qua một con đường bị ngập bằng các biện pháp tạm thời vào năm 2012.
"Chìa khóa chính là biến không gian trở thành dòng sông thay vì cố chiến đấu với dòng nước", giám đốc quản lý nước tại Arcadis Trung Quốc Wen Mei Dubbelaar, hiện cũng là cố vấn cho vấn đề nước của Vũ Hán trong các dự án "thành phố bọt biển" nói.
Thách thức không nhỏ
Cải thiện các cộng đồng dân cư cũ hiện là một thách thức đặc biệt bởi không còn nhiều không gian để xây dựng, trong khi hệ thống thoát nước hiện tại thường đã lỗi thời. Bên cạnh đó, những dự án như vậy có thể rất tốn kém. Chẳng hạn như việc chuyển đổi tại công viên Nanganqu có điện tích 3,8km2 đã tiêu tốn tổng vốn đầu tư tới 1,26 tỷ NDT. 20% vốn đến từ chính quyền TP và phần còn lại là từ người dân và các doanh nghiệp. Trợ cấp của chính phủ T.Ư Trung Quốc cho các dự án "thành phố bọt biển" chỉ được thiết lập cho đến năm 2020, do đó việc mở rộng kế hoạch bao phủ 80% thành phố vào năm 2030 sẽ là một gánh nặng rất lớn với địa phương trừ khi chính quyền có thể tìm cách lôi kéo thêm các nhà đầu tư tư nhân, chẳng hạn như các nhà phát triển bất động sản - những người sẽ hưởng lợi lớn khi giá trị của đất gia tăng.
Ngay cả khi các dự án "thành phố bọt biển" được thực hiện một cách toàn vẹn, Vũ Hán vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Dù không có tiêu chuẩn nhất định nhưng các TP như Tokyo hay Singapore có thể tự tin xử lý các cơn bão lớn trong tầm 100 năm tới, tuy nhiên tại Trung Quốc, hầu hết các hệ thống thoát nước hiện nay chỉ có sức chịu tối đa là 10 năm. Khi các dự án "thành phố bọt biển hoàn thành", con số này cũng mới chỉ đạt mức 30 năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần