Cuộc chiến vương quyền

VIỆT QUANG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi đại hội VFF diễn ra vào tháng 3/2018, xuất hiện hàng loạt thông tin bị xem là thất thiệt cho ekip lãnh đạo đương nhiệm của VFF.

Nào là lãnh đạo VFF đi xe biển số xanh, đến việc cán bộ của Tổng cục TDTT được biệt phái sang VFF qúa lâu hay trước đó là những lùm xùm liên quan đến một nhân viên VFF bị cho nghỉ việc theo kiểu… không cần lý do. Rõ ràng trước thềm đại hội, lãnh đạo VFF đứng trước rất nhiều sóng gió và theo giới thạo tin cho rằng những thông tin thất thiệt đó nhằm làm uy tín của những người đang đứng điều hành nền bóng đá nước nhà. Vấn đề là tại sao, những “tin xấu” đó không xuất hiện ở cách đây 1-2 năm mà lại rơi vào đúng thời điểm trước thềm đại hội VFF.

Từ lâu nay chiếc ghế Chủ tịch VFF đã trở thành con dao hai lưỡi với chủ nhân của nó. Nếu như bóng đá nước nhà gặt hái được thành công thì đương nhiên Chủ tịch VFF được thơm lây, còn ngược lại khi đội tuyển thất bại hay giải V.League xuất hiện nhiều vấn đề nổi cộm thì người đứng đầu VFF lại bị soi mói, áp lực cực lớn. Và dân trong nghề từng truyền tai nhau câu nói: “ghế Chủ tịch VFF bị "đánh' nhiều hơn bất kỳ vị trí của ngành nghề khác”.

Thế nhưng, chưa bao giờ ghế Chủ tịch VFF bị bỏ trống, kể cả khi người đương nhiệm hiện tại là ông Lê Hùng Dũng, dù đang bị bệnh vẫn cố gắng làm cho hết nhiệm kỳ. Lúc này, chắc chắn ông Dũng sẽ không tái cử bởi sức khỏe của ông không tốt và các ứng viên khác đang đứng trước cơ hội lớn để ngồi ghế thay cho ông Dũng sau kỳ đại hội tới đây. Và biết đâu những “thông tin xấu” vừa qua sẽ là yếu tố chi phối cực lớn cho cuộc đua ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch VFF vốn bị chịu áp lực quá nhiều trong đời sống bóng đá?