Cuộc đối thoại tranh dân gian xưa và nay

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển lãm “Cuộc gặp gỡ xưa nay” đang diễn ra tại không gian nghệ thuật đương đại - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu đến công chúng những dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng của họa sĩ 9x trẻ - Xuân Lam.

Tác phẩm của Xuân Lam đã vượt qua khuôn khổ thông thường của những bức tranh, khẳng định sức sống tươi mới của tranh dân gian trong dòng chảy văn hóa đương đại.
Viết câu chuyện về tranh
Năm 2017, bộ tác phẩm “Vẽ tranh dân gian” của Xuân Lam ra mắt những người yêu nghệ thuật Hà Thành. Bằng phương pháp kết hợp giữa vẽ tay và kỹ thuật chuyển màu đặc trưng của đồ họa, những bức tranh dân gian rộn ràng màu sắc năm mới đến gần hơn với giới trẻ. Khi treo tranh trong nhà, người xem như được sống lại không khí Tết của đồng bằng Bắc bộ.
Dù có những thành công bước đầu, nhưng Xuân Lam không ngờ rằng, những tác phẩm bước ra từ “Vẽ tranh dân gian” nhận được sự chú ý từ công chúng.
 Họa sĩ Xuân Lam cùng những tác phẩm tranh dân gian do mình thể hiện. Ảnh: Lại Tấn
Trong gần 3 năm kể từ ngày triển lãm ra mắt, những bức tranh dân gian mang phong cách Xuân Lam thấp thoáng trên những con phố Hà Nội, ngự trị trên những sản phẩm ứng dụng cao được yêu thích bởi giới trẻ như: Quần áo, sách vở, phố bích họa Phùng Hưng… hay ẩn hiện đâu đó trong nhiều dự án khác của Xuân Lam. Sự đón nhận của công chúng đã trở thành động lực để Xuân Lam viết tiếp câu chuyện về tranh dân gian nhưng với cách thể hiện độc đáo thông qua triển lãm “Cuộc gặp gỡ xưa nay”.
“Cuộc gặp gỡ xưa nay” đưa người xem vào một hành trình thách thức không gian và thời gian của những bức tranh xưa. Ở đó, những bức tranh sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ của những chiếc khung, tới gần hơn với công chúng thông qua những hình thức thể hiện mới lạ. Họa sĩ Xuân Lam chia sẻ: “Tháng 6/2016, khi đang làm luận án tốt nghiệp, tôi có vào Bảo tàng Mỹ thuật để xem tranh. Vô tình, tôi đi vào khu vực tranh dân gian. Lúc đó, tôi thấy bảo tàng có một bộ tranh dân gian rất đẹp nhưng khu vực này ít người biết đến để ghé tham quan. Từ đó, tôi có ý tưởng thực hiện những sản phẩm tranh dân gian của riêng mình, thực hiện bằng cách sẽ kết hợp giữa hội họa và đồ họa”.
Ngoài ra, Xuân Lam cũng cho biết: “Ngày xưa, tranh dân gian thường được mọi người mua để tặng nhau, treo trong nhà. Nhưng ngày nay, dường như phong tục này biến mất. Tôi nghĩ tổ chức triển lãm vào dịp cuối năm sẽ làm sống lại những ký ức, nét đẹp văn hóa ngày xưa”.
Gặp gỡ sắc màu dân tộc
Đến với “Cuộc gặp gỡ xưa nay”, người xem nhẹ nhàng bước vào thế giới dân gian. Đó có thể là những bức phù điêu “Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã”, là “gà lợn nét tươi trong” hay những tố nữ duyên dáng với sáo, sênh tiền, quạt, đàn nguyệt… Đó cũng là cách tự nhất để mỗi người xem gặp gỡ với những màu sắc dân tộc, được truyền thêm cảm hứng trân trọng những giá trị xưa cũ.
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Bích chia sẻ: “Trong xu thế hiện nay, nghệ nhân của các làng nghề truyền thống như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng không còn nhiều. Nhưng rất may mắn, vẫn có những người trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống. Thông qua triển lãm lần này, chúng ta tự hào dòng tranh dân gian không bị mai một, ngày càng phát triển trong đời sống đương đại. Xuân Lam thể hiện tiếng nói của một 9x, mong muốn tôn trọng những giá trị truyền thống với một tinh thần và vẻ đẹp đương đại”.
Triển lãm “Cuộc gặp gỡ xưa nay” đã mang một làn gió mới đến cho những tác phẩm dân gian, một cuộc đối thoại giữa những giá trị xưa cũ và vẻ đẹp mới lạ, giữa cổ điển và hiện đại. Hy vọng, triển lãm sẽ là khởi đầu ấn tượng để từ đó những khát vọng nghệ thuật đương đại được chắp cánh và đến gần hơn với công chúng Thủ đô.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Xuân Lam hiện là họa sĩ và nhà thiết kế tự do. Các tác phẩm tiêu biểu của Xuân Lam như: “Vẽ lại tranh dân gian” năm 2017, “Tuần lễ thời trang phố cổ” trong dự án Nghệ thuật cộng đồng tại phố Phùng Hưng năm 2018 hay gần đây nhất là tác phẩm “Mảnh thời gian” được tạo nên từ 240 mảnh sơn mài trong dự án Nghệ thuật đương đại trong Nhà Quốc hội năm 2018.