Cuộc đua 4G: Không chỉ cạnh tranh về giá

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ TT&TT, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng gồm cả 3G và 4G, trong đó có hơn 3,5 triệu thuê bao 4G.

Mức giá cước thấp, chất lượng mạng tốt là những yếu tố thu hút người dùng 4G.
Nhiều chiêu hút khách
Nắm bắt được xu hướng này hiện các nhà mạng đang đua nhau giành giật người dùng thông qua giá cũng như đa dạng gói cước. Nhiều chuyên gia đánh giá, cuộc đua 4G chắc chắn sẽ khốc liệt hơn nhiều so với cuộc đua 3G đã diễn ra nhiều năm qua.
Các nhà mạng lớn như Viettel, MobiFone, VinaPhone đều khẳng định giá cước dịch vụ 4G sẽ thấp hơn so với 3G. Thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, giá các gói cước 4G đã được đưa về thấp hơn tới 30 - 50% so với các gói cước của 3G. Với số tiền 70.000 đồng, hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone đều cho phép khách hàng sử dụng dung lượng 4G là 2,4GB, nhỉnh hơn chút so với Viettel khi chỉ có dung lượng 2GB. Tuy nhiên, Viettel cũng có ưu thế riêng khi có những gói cước giá rẻ từ 10.000 - 40.000 đồng, nhắm vào khách hàng là học sinh, sinh viên và người có thu nhập thấp, phân khúc không được hai nhà mạng còn lại chú trọng.
 Nhân viên Vinaphone giới thiệu thẻ 4G.
Đáng chú ý, kế thừa các gói cước 3G không giới hạn dung lượng vốn là gói cước có lượng người dùng đông đảo nhất, hiện Viettel đã cung cấp gói MiMax 4G với tính năng tương tự. Cụ thể, với 90.000 đồng/tháng, người dùng có thể sử dụng 2GB với tốc độ 4G, sau khi hết dung lượng này băng thông sẽ được hạ về 128Kps để tiếp tục sử dụng mà không tốn thêm chi phí. Đây được đánh giá là điểm cộng đáng kể của Viettel khi các gói cước 4G của MobiFone và VinaPhone đều tự ngắt kết nối internet khi hết dung lượng.
Chất lượng là yếu tố sống còn
Với mức giá gần 40.000 đồng/GB, cước 4G tại Việt Nam hiện rẻ hơn khá nhiều so với các quốc gia khác khi giá trung bình đang vào khoảng 2 USD/GB. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, mức giá không phải là yếu tố duy nhất để quyết định kết quả của cuộc đua 4G. Theo Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Nguyễn Xuân Cường, việc phát triển các dịch vụ như mạng xã hội, thương mại điện tử, truyền hình... trên nền 4G mới chính là hướng đi của công nghệ này. “Với sự xuất hiện của 4G, dịch vụ nội dung số đang đứng trước cơ hội bùng nổ cả về chất lượng lẫn doanh thu” - ông Cường nói.
Còn ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc khu vực Ðông Dương của Qualcomm lại cho rằng, cái người dùng thực sự mong muốn ở 4G là sự đột phá về chất lượng. Nhà mạng cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng 4G, tối ưu hóa mạng lưới, ứng dụng công nghệ mới để giúp người dùng thấy rõ sự khác biệt của 4G so với các mạng cũ như 3G, 2G... Từ đó mới có thể lôi kéo người dùng chuyển hẳn qua sử dụng mạng 4G.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng bộ quy chuẩn về chất lượng 4G để làm tiêu chí đánh giá, xử lý khi nhà mạng có vi phạm, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dùng. Bên cạnh đó Bộ cũng chỉ đạo Cục Viễn thông thường xuyên đánh giá chất lượng 4G của các nhà mạng để công bố với khách hàng cũng như thực hiện đo kiểm định kỳ và đột xuất khi có phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ.
Phát triển 4G cần chi phí cao nên nhà mạng không còn cách nào khác là phải đẩy dịch vụ nội dung nhằm lôi kéo khách hàng. Mặt tích cực là nhà mạng sẽ phải luôn thay đổi để giữ chân người dùng cũ cũng như gia tăng người dùng mới, đồng thời khách hàng sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn, giá rẻ hơn.
Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Nguyễn Xuân Cường