Cuộc tấn công tổng lực “ma men” trên mọi mặt trận

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020 sẽ là hồi “điều chung” của nạn “ma men” trong đội ngũ lái xe. Nhiều văn bản pháp luật mới chính thức có hiệu lực là hành lang pháp lý quan trọng để lực lượng chức năng cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước có trong tay công cụ hành pháp tối thượng trong cuộc tấn công tổng lực nạn “ma men”.

 Hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị phạt rất nặng
Ngày đầu năm mới 2020 (ngày 1/1), trong khi người dân đang tận hưởng ngày nghỉ Tết Dương lịch thì tại nhiều địa phương, những đợt ra quân rầm rộ để xử lý vi phạm nồng độ cồn đã diễn ra. Trên thực tế, đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm đã bắt đầu từ 15/12/2019  và kéo dài sang tận 15/2/2020. Tuy nhiên, cột mốc 1/1/2020 được chú ý hơn cả bởi đây là thời điểm nhiều văn bản pháp luật mới ban hành liên quan trực tiếp đến công tác đảm bảo ATGT cũng như đấu tranh với vấn nạn “ma men” chính thức có hiệu lực.
Loại bỏ “thói quen bia rượu” và mời ép
Đầu tiên là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019. Đây là văn bản pháp lý được chờ đợi nhất trong thời gian qua. Và, trên thực tế, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 đã đáp ứng phần lớn kỳ vọng này khi đưa ra những quy định pháp lý nghiêm ngặt và rất cứng rắn đối vơi những hành vi vi phạm liên quan đến mua bán, sử dụng rượu bia như: Cấm bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; cấm sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức…
 Năm 2020 sẽ là năm đấu tranh tổng lực với vấn nạn "ma men sau tay lái"
Đặc biệt là quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia và cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia được dư luận và giới chuyên gia đánh giá cao. Đây không chỉ là công cụ pháp lý cần thiết của lực lượng chức năng và cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là tiền đề để từng bước loại trừ “văn hóa rượu bia”, thói quen mời, ép sử dụng rượu bia đang rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay.
Một văn bản pháp lý quan trọng nữa là Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Điểm đáng chú ý nhất của văn bản pháp luật này là việc điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
 Tăng chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn là cần thiết để đảm bảo tính răn đe
Điểm đáng chú ý nhất của Nghị định 100 chính là đưa ra mức xử phạt rất nặng cho các hành vi sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Hầu hết các lỗi vi phạm đều đã được tăng nặng lên rất nhiều so với trước kia. Hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 ngàn đồng.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải cho rằng, trong cuộc đấu tranh với nạn “ma men sau tay lái” thì việc tăng chế tài xử phạt như vậy là cần thiết. “Lái xe khi sử dụng rượu bia sẽ có nguy cơ gây tai nạn cao hơn người bình thường rất nhiều. Hậu quả của những vụ tai nạn do “ma men” gây ra cũng là rất khủng khiếp. Do đó tăng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe là cần thiết” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, đồng thời khuyến cáo, ngoài chế tài xử phạt cần có biện pháp quản lý chặt chẽ cấp mới, đổi bằng lái để tránh tình trạng các lái xe bị tước bằng lái xong lại báo mất để làm lại.
 Cần từng bước loại bỏ "văn hóa bia rượu" và nạn mời ép sử dụng rượu bia
Trong khi đó, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá cao quy định cấm rủ rê và ép người khác sử dụng rượu bia. Luật sư cho rằng, việc đưa ra điều luật cấm lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là thể hiện tinh thần và quan điểm hết sức tiến bộ của cơ quan soạn thảo luật, đặc biệt trong bối cảnh “văn hóa bia rượu” và tình trạng mời ép sử dụng rượu bia trong đời sống xã hội nước ta hiện nay ngày càng phổ biến và nhức nhối.
Tuy nhiên, theo luật sư Ứng thì để quy định này ngay lập tức phát huy tác dụng là điều không dễ mà cần có thời gian và có hướng dẫn cụ thể và quy định rất rõ thế nào là xúi giục, thế nào là lôi kéo, thế nào là ép buộc, từ đó mới có căn cứ xử lý các hành vi vi phạm. “Khi thói quen xấu đang dần trở thành vấn nạn của xã hội thì việc điều chỉnh hành vi bằng quy định luật là rất cần thiết. Điều quan trọng nhất vẫn là kết hợp song song giữa xử phạt và tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân. Có như thế mới từng bước đẩy lùi vấn nạn “ma men” và “văn hóa bia rượu” trong xã hội hiện nay” – Luật sư Bùi Đình Ứng nói.

“Tâm lý người Việt Nam khi đã ngồi cùng bàn nhậu với nhau thì thường là người quen biết nên rất cả nể.Thế nên, người bị ép bia rượu dù không vui vẻ gì nhưng vẫn miễn cưỡng uống. Tuy nhiên, nếu không có hướng dẫn đầy đủ thì quy định cấm lôi kéo, xúi giục người khác uống rượu bia sẽ rất khó thực thi. Theo tôi, nên hạn chế hành vi rủ rê, lôi kéo này bằng các biện pháp tuyên truyền trước mắt sẽ có tác dụng tốt hơn”.

Tiến sĩ Tâm Lý học Lý Thị Như

“Trước đây tôi hay có thói quen sử dụng phương tiện cá nhân để đi nhậu vì thường hay về sớm, có xe sẽ chủ động. Thường tôi sẽ uống vừa đủ để đảm bảo tỉnh táo khi lái xe cho an toàn. Tuy nhiên, từ khi biết Nhà nước tăng mức xử phạt với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe ra đường lên rất nặng thì tôi đã chuyển sang gọi xe ôm hoặc taxi. Vừa an toàn cho bản thân, vừa an toàn cho người khác. Qua đây mới thấy, mọi thói quen xấu đều có thể thay đổi được”.

Anh Bùi Quang Huy (25 tuổi), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội