Cước taxi vẫn “cố thủ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/1, giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh xuống còn 15.440 đồng/lít xăng Ron 92, 10.200 đồng/lít dầu Diezen, cùng với đó một số DN vận tải đã rục rịch giảm cước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, để khuyến khích DN giảm giá cước, thay vì xử phạt, các cơ quan quản lý nên tìm các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm tối đa chi phí kinh doanh cho DN.

26 doanh nghiệp giảm giá cước

Ngày 31/1, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trước diễn biến giá xăng dầu liên tục giảm, cơ quan này đã có các văn bản yêu cầu DN kinh doanh vận tải tiến hành rà soát lại các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu để thực hiện kê khai giảm giá cước phù hợp. Mới đây, ngày 20/1/2016, Sở Tài chính Hà Nội đã có Công văn số 331/STC-BG yêu cầu các DN nộp hồ sơ kê khai điều chỉnh giá cước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu về Sở trước ngày 25/1.

Đến nay, đã có 26 DN kê khai giảm giá; 25 DN đã gửi kê khai giá nhưng chưa giảm giá do nguyên nhân các chi phí khác như lương tối thiểu tăng, cách tính bảo hiểm xã hội thay đổi, phí BOT và một số chi phí DN bỏ ra để trang bị và nâng cao các thiết bị trên xe.
Hoạt động tại Bến xe khách Mỹ Đình.  	Ảnh: Trần Hùng
Hoạt động tại Bến xe khách Mỹ Đình. Ảnh: Trần Hùng
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho biết, đã có hơn 40 DN kinh doanh vận tải tuyến cố định đăng ký giảm cước từ 2 - 11%; còn hơn 20 DN chưa tăng giá cước trong nhiều năm hoặc đã giảm ở kỳ lần trước vẫn giữ nguyên giá. Đối với loại hình vận tải taxi chỉ có 6 đơn vị thực hiện giảm giá, mức giảm từ 2 - 7%. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết: “Ngày 20/1, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có công văn số 02/2016/HH - CV gửi các DN thành viên kêu gọi nhanh chóng điều chỉnh giá cước cho phù hợp với tình hình hiện tại”.

Đánh giá chung tình hình, nhiều chuyên gia cho rằng, khối taxi chiếm tỷ trọng lớn trong vận tải hành khách coi như chưa giảm được bao nhiêu. Các DN taxi lớn như Mai Linh, Group… vẫn tiếp tục “cố thủ” giá cước cũ, chỉ có các hãng nhỏ như Tiến Thành, Đại Nam, Thường Tín, Sông Hồng… kê khai giảm giá. Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên còn nhắc đến một DN taxi tại Sơn Tây từ năm 1999 đến nay vẫn để giá cước là 9.500 đồng/km, thấp hơn khoảng 15% so với các hãng khác. Điều đó cho thấy rõ hơn sự bất hợp lý và lợi nhuận khổng lồ mà các hãng taxi lớn đang thu về từ giá cước hiện hành. Khác với loại hình vận tải liên tỉnh, xe taxi không phải trả phí cầu đường, nếu có đi xa thì do hành khách trả, lý do duy nhất mà các hãng taxi “vin” vào là việc thay đổi giá cước sẽ kéo theo chi phí về cân chỉnh đồng hồ tính cước, cắt dán lại bảng giá niêm yết. Tuy nhiên, mức chi phí này chỉ khoảng 1 triệu đồng/xe, quá nhỏ so với lợi nhuận các hãng thu được trong suốt thời gian giá xăng dầu giảm vừa qua.

Theo quy định tại Nghị định 109/2003/NĐ - CP, nếu DN chậm giảm giá quá 5 ngày so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 - 8 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Sở Tài chính vẫn chưa có động thái cụ thể nào với các DN chây ì giảm giá cước ngoài những văn bản hành chính mà nhiều DN taxi coi như “không có”. Với những DN nêu lý do “không kịp” chỉnh đồng hồ, in ấn bảng niêm yết giá cước mới, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh đã có chỉ đạo rõ ràng sẽ tạo điều kiện tối đã để xe vừa vận hành theo giá mới vừa điều chỉnh.

Đáng chú ý, trong số các DN đã kê khai lại giá nhưng không giảm có “ông lớn” taxi Group… Lý do mà Taxi Group đưa ra là do thời gian qua mặc dù giá xăng dầu liêu tục giảm nhưng lương tối thiểu vùng tăng, bảo hiểm xã hội tăng và DN này vừa đầu tư thiết bị định vị GPS trên xe dẫn đến các chi phí tăng nên Group chưa giảm giá cước.

Cũng trong tháng 1/2016, Sở Tài chính đã thực hiện kiểm tra 6 DN vận tải và xử phạt 4 DN vi phạm các quy định về kê khai giá, gồm Công ty vận tải ô tô khách Hà Tây, Công ty Vận tải ô tô 27/7 Thanh Xuân, Công ty CP Song Mã …. Trước đó, trong tháng 12/2015, Sở Tài chính cũng đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP đầu tư thương mại và vận tải Vũ Hoàng số tiền 40 triệu đồng vì những vi phạm trong chấp hành quy định quản lý Nhà nước về giá của công ty này.

Thời gian tới, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục đôn đốc các DN vận tải kê khai giá và tiến hành kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Bao giờ DN tự giác giảm giá?

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc các chi phí khác như lương, bảo hiểm xã hội, phí BOT… tăng, quy định hành chính yêu cầu mỗi lần tăng giảm giá phải kê khai, báo cáo giá cũng khiến DN mất thêm thời gian và chi phí.

Để tạo thuận lợi cho DN, mới đây, Liên bộ Tài chính- GTVT đã có văn bản để lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó, dự thảo quy định, trường hợp tăng, giảm giá so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó trong phạm vi 3%, đơn vị kinh doanh vận tải không phải thực hiện kê khai lại, nhưng phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới. Ngoài ra, giá nhiên liệu đầu vào giảm từ 20% trở lên so với giá nhiên liệu tại thời điểm kê khai liền kề trước, thì tối đa sau 5 ngày kể từ ngày giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện kê khai hoặc thông báo giá theo quy định, phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu. Đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh tăng, giảm giá vượt mức 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó do các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức- Công ty Luật Basicon, cơ chế quản lý giá hành chính hay việc xử phạt các DN vi phạm các quy định kê khai giá hiện nay chưa phải là giải pháp hữu hiệu để DN tự giác giảm giá cước. Nguyên nhân là vì ngoài nhiên liệu, chi phí bến bãi, thuế, phí… chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu giá vận tải. Bên cạnh đó, DN vẫn phải âm thầm “gánh” thêm nhiều chi phí không chính thức. Bởi vậy, theo ông Đức, để khuyến khích DN giảm giá cước, thay vì xử phạt, các cơ quan quản lý nên tìm các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm tối đa chi phí kinh doanh cho DN. Đó là cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, có mức giá thuế phí, bến bãi hợp lý và đặc biệt cần xử lý triệt để các chi phí “bôi trơn”. “Tính riêng tại địa bàn Hà Nội, số hãng taxi hoạt động đã lên đến con số hàng trăm. Thế nên, nếu cân đối được chi phí, không có lý do gì để DN không giảm giá cước, hấp dẫn khách hàng”- ông Đức nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần