[Cuộc thi viết bảo vệ môi trường Hà Nội 2020] Phát triển không gian xanh công cộng: Nâng cao ý thức từ cộng đồng

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội thì nhu cầu hưởng thụ tại các không gian công cộng của người dân Thủ đô ngày càng tăng. Trong đó, việc mở rộng các không gian xanh công cộng ở nhiều nơi đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của đô thị, hướng đến xây dựng Hà Nội trở thành nơi đáng sống.

Không gian xanh tại Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Nỗ lực kiến tạo không gian công cộng
Dạo một vòng quanh TP, hình ảnh người dân tập thể dục tại công viên Thống Nhất, công viên Cầu Giấy, công viên Hòa Bình, vui chơi tại phố đi bộ Hồ Gươm, quảng trường Ba Đình… là những ví dụ sinh động về các không gian công cộng của Thủ đô. Những không gian công cộng này không chỉ là nơi để nghỉ ngơi, thư giãn mà nó đặc biệt bởi sự kết nối và duy trì bền vững xã hội và văn hóa cho Hà Nội.

Bên cạnh những không gian xanh hiện hữu, trong những năm qua, TP đã khởi công xây dựng hàng loạt công viên có quy mô lớn như công viên hồ điều hòa Nhân Chính (công viên Thanh Xuân), công viên, hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch, công viên giải trí CXCV1, công viên giải trí tại Mễ Trì, khu công viên, hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy...

Cùng với những dự án lớn, hiện có nhiều nỗ lực của các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc kiến tạo và mở rộng không gian công cộng. Những sáng kiến thường xuất phát từ các kiến trúc sư, những chuyên gia đô thị cùng sự chung tay của chính cộng đồng dân cư của Hà Nội.

Tại thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, sự xuất hiện của sân chơi cộng đồng trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn là tin vui với trẻ em nơi đây. Sân chơi này được thiết kế bởi các chuyên gia từ Pháp, Đức, được thi công và lắp đặt bởi DN tham gia xã hội hóa “Nghĩ về sân chơi trong phố – Thinks Playground" phối hợp cùng với cộng đồng thôn Hà Lỗ. Các chuyên gia đã sử dụng lốp xe tái chế, gạch sinh thái để làm thành bập bênh, xích đu, khu cầu trượt cho trẻ em. Hay tại bãi tập kết rác ven sông Hồng trước đây thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, dần được hồi sinh nhờ 16 tác phẩm nghệ thuật đương đại đến từ 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi đây đã trở thành điểm đến vô cùng độc đáo và thú vị với người dân Thủ đô.

Đặc biệt, mới đây, cũng trên địa bàn phường Phúc Tân đã khánh thành không gian công cộng vùng bãi ven sông Hồng cho người dân tổ 16. Trước đây, khu vực này là nơi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sống. Sau một thời gian thi công, không gian công cộng Phúc Tân được biến đổi thành khu vui chơi. Hiện nay, phần đất này đã mang một diện mạo mới, sạch sẽ, đa chức năng; được trang bị ghế, đồ chơi trẻ em, dụng cụ tập thể dục... trở thành một địa điểm để hội họp, gặp gỡ cộng đồng.

Phấn khởi khi được thụ hưởng không gian sạch, đẹp ông Nguyễn Đức Lực – người dân tổ 16 chia sẻ: “Không gian cộng đồng có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi, làm thay đổi bộ mặt của khu phố, thay đổi cả phong cách sống, lối sống của chính người dân nơi đây. Từ ngày có sân chơi và không gian cộng đồng được cải thiện, bà con và đặc biệt trẻ con ra chơi rất đông, giúp con trẻ gắn kết với nhau hơn, giáo dục chúng biết bảo vệ môi trường sống của chính mình”.

Nhân rộng mô hình

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã và đang góp phần làm cho diện mạo Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng vẫn đang có sự thiếu hài hòa bởi không gian công cộng trong đô thị. Trước những khó khăn, thách thức đó, Hà Nội đã và đang nỗ lực dành những quỹ đất “vàng” để đầu tư phát triển các địa điểm vui chơi công cộng như: Công viên, vườn hoa, hồ nước… việc xây dựng nhiều không gian công cộng, hay tạo ra những chiếc hồ nhân tạo lớn giữa lòng TP đã thể hiện đường lối, chính sách phát triển và sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội đối với nhu cầu giải trí và thụ hưởng của người dân Thủ đô.

Đồng thời khẳng định sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo TP, các sở, ban, ngành… trong việc kiên trì mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một trong những đô thị “xanh, sạch, văn hiến, văn minh và hiện đại”, tạo ra môi trường sống tốt hơn, đáng sống hơn cho người dân Thủ đô... Tuy nhiên, để những không gian công cộng thực sự đem lại lợi ích, giá trị đối với người dân thì quan trọng hơn cả, người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình, từ đó làm thay đổi phong cách sống, lối sống. Đặc biệt, đối với những mô hình hay, sáng tạo cần được phát huy, nhân rộng.

Theo KTS Chu Kim Đức - người đồng sáng lập DN Think Playgrounds, cũng là người đã cùng các cộng sự của mình xây dựng hơn 200 sân chơi cho trẻ em trên cả nước, với các dự án đã thực hiện để thành công được đó là sự chung tay rất nhiệt tình của người dân trong việc xây dựng và bảo vệ không gian công cộng của mình. “Từ những thay đổi trong suy nghĩ, lối sống của người dân đã giúp chúng tôi quyết tâm thiết kế nhiều không gian công cộng hơn nữa” – KTS Chu Kim Đức chia sẻ và cho rằng, để phát huy hết được hiệu quả các không gian công cộng, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng công viên hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, thì việc đầu tư xây dựng các công viên hiện có theo hướng công viên mở cho mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập, các không gian xanh công cộng tại các khu dân cư, hay xa trung tâm TP… có vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý sau khi công trình công cộng được đưa vào sử dụng, qua đó, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xuống cấp và quản lý chồng chéo hiện có.
Trong những năm gần đây, Hà Nội luôn chú trọng đến việc phát triển không gian công cộng. Cụ thể, từ năm 2014 Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù.
Thực tế, chúng ta ít để ý đến các không gian công cộng nhỏ khu ven đô hoặc kẹt giữa khu dân cư. Tuy nhiên, các không gian này cần cho những hoạt động giao lưu tập thể, tăng kết nối và gắn kết mọi người với nhau. Vì vậy, dự án không gian công cộng vùng bãi ven sông Hồng cho người dân tổ 16 vừa được khánh thành là một mô hình rất ý nghĩa cần được nhân rộng. Nếu được Nhà nước đầu tư, chỉnh sửa, cộng đồng tham gia thực hiện và quản lý thì các không gian cộng đồng này sẽ góp phần làm Hà Nội đáng sống cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người sống ở vùng xa trung tâm.

Điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội Đáng sống Lê Quang Bình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần