Cuộc Tổng tiến công Xuân 1968 trong ký ức anh hùng Châu Thanh Truyền

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trôi qua tròn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn in đậm trong ký ức của người lính già, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Thanh Truyền với tất cả lòng tự hào về một thời gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt.

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nơi trang trọng nhất là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, ảnh Bác Hồ và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Thanh Truyền nhớ lại, trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 diễn ra, ông là A trưởng của Đại đội độc lập, trực thuộc Huyện đội Bắc Tam Kỳ, đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Để chuẩn bị cho trận đánh lớn, đơn vị của ông nhận được lệnh của cấp trên là chuyển về vùng Đông huyện Bắc Tam Kỳ để giấu quân, chờ đến giờ G.
 Quân Giải phóng tiến công tiêu diệt giặc tại Sài Gòn (1968). (Ảnh Tư liệu TTXVN)
Sau khi về nơi tập kết mới, đơn vị được chia làm 3 mũi tấn công, sẵn sàng chờ lệnh. Theo kế hoạch, mũi thứ nhất đánh vào khu vực Cống Trang, ở phía đối diện với tỉnh đường Quảng Tín - cơ quan đầu não của ngụy quyền lúc bấy giờ. (Tỉnh Quảng Tín là tên gọi của ngụy quyền đối với tỉnh Quảng Nam). Mũi thứ 2 từ Tiên Dưỡng, Quán Gò, xã Bình An, huyện Thăng Bình đánh vào khu vực cầu Bà Dụ, thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh. Mũi thứ 3 đánh vào khu vực cầu Kỳ Phú, thuộc phường An Phú, thành phố Tam Kỳ ngày nay.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Thanh Truyền giải thích, sở dĩ đơn vị được cấp trên giao nhiệm vụ tấn công vào 3 khu vực nói trên là nhằm cắt đứt đường tiếp viện của địch từ bên ngoài vào để cứu viện cho tỉnh đường Quảng Tín khi bị ta tấn công. Riêng mũi đánh vào cầu Kỳ Phú nhằm chặn đứng đường rút chạy của địch về hướng biển.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Thanh Truyền nhấn mạnh với 3 mũi tấn công này, ngoài việc tiêu hao sinh lực địch, chiếm giữ các vị trí đã định, đơn vị của ông còn có nhiệm vụ mở đường cho “Đội quân tóc dài” do mẹ Huỳnh Thị Nhung, ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình chỉ huy kéo vào Tỉnh đường Quảng Tín để kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị của ta lúc bấy giờ.
Đúng 3 giờ ngày 31/1/1968, toàn bộ 3 cánh quân đã ém sẵn lực lượng được trang bị tốt đồng loạt nổ súng, tấn công vào vị trí đã định. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt.
Sau những phút bất ngờ, quân địch với hỏa lực mạnh đã chống trả dữ dội, tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác điều nghiên địa hình và tinh thần quả cảm, quyết tâm chiến lược, quân ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa, chiếm giữ những mục tiêu đã định - Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân Châu Thanh Truyền tự hào nhớ lại.
Ở mặt trận đấu tranh chính trị, “Đội quân tóc dài” do mẹ Huỳnh Thị Nhung dẫn đầu đã tràn vào trung tâm tỉnh đường Quảng Tín và treo cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc trụ sở tỉnh đường, góp phần làm rệu rã tinh thần của địch.
Đến đây, giọng người lính già, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Thanh Truyền chùng xuống: Sau các đợt tấn công, ta đã làm chủ các trục đường chính, thọc sâu vào sào huyệt của địch trong nhiều ngày liền và ngăn chặn có hiệu quả sự tiếp viện của quân địch, song sự hy sinh cũng hết sức lớn lao.
Ông nhớ lại, sau 5 giờ chiến đấu liên tục, quân ta đã chiếm được tỉnh đường Quảng Tín. Đồng chí Châu Quốc Đinh là người đầu tiên cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc trụ sở tỉnh đường Quảng Tín. Sau đó, đồng chí Châu Quốc Đinh và nhiều đồng đội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh trên tầng 5 trụ sở tỉnh đường Quảng Tín.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đơn vị của ông Châu Thanh Truyền rút về vùng Đông huyện Bắc Tam Kỳ để giữ vững vùng giải phóng và xây dựng củng cố phát triển lực lượng và tham gia nhiều trận đánh cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Năm 1977 ông phục viên, trở về với cuộc sống đời thường và lập gia đình. Năm người con của ông đến nay đều đã trưởng thành. Ghi nhận những công lao to lớn của ông, năm 1994, ông Châu Thanh Truyền được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao qúy Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Thanh Truyền, khi còn trong quân ngũ hay khi về vui thú điền viên thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn mãi mãi khắc ghi trong tâm trí ông là mốc son chói lọi, một thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần