Cuối năm, đau đầu trước nạn hàng gian, hàng giả

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng mở rộng hoạt động, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, làm xấu hình ảnh DN.

Để ngăn chặn hoạt động này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng đòi hỏi DN cần tích cực vào cuộc, không nên chấp nhận sống chung “với lũ”.
Đụng đâu cũng thấy hàng giả 
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trên cả nước qua kiểm tra đã phát hiện 6.597 vụ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách 19 tỷ đồng. Riêng TP Hà Nội đã phát hiện gần 1400 vụ sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
 Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh xe máy nhái nhãn mác, kiểu dáng trên đường Tôn Đức Thắng. Ảnh: Hoài Nam
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức thực hiện việc buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam do Vi Hoàng Minh (sinh năm 1994, trú tại phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) cầm đầu.
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định: Vi Hoàng Minh là đối tượng chủ mưu, chỉ đạo đồng bọn thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái pháp luật đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam. Đối tượng đã in nhãn mác ghi tên Công ty TNHH MTV Kim Hưng Lợi (do Vi Hoàng Minh là người được ủy quyền điều hành) để thay vỏ bao đường in chữ nước ngoài. Mục đích nhằm che giấu, đối phó với cơ quan chức năng kiểm tra trong quá trình vận chuyển.
Sau đó, các đối tượng chở hàng từ bãi tập kết (bãi Cống Đồn, ấp Bà Bài) về kho của Công ty TNHH Di Thạnh (địa chỉ ở đường Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Thành, TP Châu Đốc). Theo công an, nhóm người này thường tổ chức lực lượng canh gác, cảnh giới dọc tuyến đường ra, vào từ khu vực bãi bốc hàng về kho nhằm phát hiện, đối phó các lực lượng chức năng. Khám xét khẩn cấp văn phòng, nhà kho của Công ty Kim Hưng Lợi và Công ty Di Thạnh Cơ quan điều tra đã thu giữ gần 1.000 tấn đường cát trắng, trị giá hàng tỷ đồng.
Ngày 4/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn lậu” xảy ra tại tỉnh An Giang; Khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với 4 đối tượng Vi Hoàng Minh, Lê Chung Thành, Lê Vũ Phong, Đặng Bảo Huy về tội “Buôn lậu”. Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang tập trung điều tra mở rộng vụ án.
Ngày 24/10, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 kiểm tra căn hộ 1836 nhà CT12C Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), phát hiện 164 chiếc điện thoại Samsung, iPhone... không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, Đội QLTT số 8 và Đội QLTT số 14 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) qua kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh quần áo tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) đã tạm giữ 6.567 sản phẩm quần, áo, thắt lưng các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
 
Trước đó, gần 3.000 sản phẩm các loại như đồng hồ, kính mắt, quần áo giả các thương hiệu nổi tiếng như Hublot, Dior, Gucci... Theo Đội trưởng Đội QLTT số 14 Dương Ngọc Viện: "Các tiểu thương ở khắp các nơi thường về chợ Ninh Hiệp nhập hàng về bán cho người có thu nhập thấp, thích sử dụng hàng hiệu nhưng không có đủ điều kiện kinh tế để có thể sở hữu những sản phẩm chính hãng".
Khi nói về vấn nạn hàng giả ảnh hưởng thương hiệu DN dầy công xây dựng, Trưởng phòng cấp cao Công ty NGK SPARK PLUGS Trần Thanh Kha cho biết: NGK nổi tiếng ở Việt Nam với các dòng sản phẩm bugi xe máy, do có chất lượng tốt nên sản phẩm bugi dành cho xe máy đang bị làm giả khá nhiều. Bugi NGK chiếm khoảng 70% thị phần tại Việt Nam nhưng có đến 20% mang danh bugi NGK trên thị trường là hàng giả, không thể phân biệt được bằng mắt thường, điều này cho thấy công nghệ làm hàng giả ngày càng cao.
Đánh giá về tình trạng hàng giả lộng hành thị trường những tháng cuối năm Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Nguyễn Công San cho rằng, nạn hàng giả diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, số lượng, diễn ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực. Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện, bao bì, tem nhãn.
Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó chuyển bán sang địa phương khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách đặt mua; sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó không cất trữ chờ tiêu thụ. Đối tượng sản xuất hàng giả không chỉ là người Việt Nam mà có cả người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường đấu tranh ngăn chặn
Theo các chuyên gia, để chống hàng gian, hàng giả có hiệu quả hơn thì phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng. Bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND, triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Canh Tý năm 2020.
Theo kế hoạch, trong tháng 12, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, tập trung triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các mặt hàng cấm và một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
Về địa bàn, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra tại các điểm tập kết, kho hàng tại các quận, huyện: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên... và trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh đổ về thị trường Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Hoạt động vận chuyển hàng hóa của các DN giao nhận dịch vụ; các cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, ga đường sắt quốc tế Yên Viên...
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết đã có công văn chỉ đạo các đội QLTT kiên quyết xử lý hành vi buôn và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Canh Tý 2020. Theo đó, trước và sau Tết Canh Tý 2020, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra liên ngành đối với mặt hàng quần áo, vải, phụ liệu may mặc, túi xách, giày dép, đồ da, đồng hồ, kính mắt... và kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng Hà Nội với các lực lượng chức năng T.Ư và các tỉnh khác (đặc biệt là các tỉnh biên giới) qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, nhưng các chuyên gia chống hàng giả cho rằng: Muốn ngăn chặn hàng giả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan pháp luật thì DN chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc đến các cơ quan thực thi khi phát hiện bị vi phạm.
“Vì khi sản phẩm của DN bị xâm phạm bản quyền thì người bị hại chính là DN những người chủ thương hiệu, chủ nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ. Trong thực tế, nhiều DN chưa thực sự đồng hành, chưa bảo vệ thương hiệu của mình đây chính là cơ hội để hàng giả xâm nhập vào thị trường”- Phó Chủ tịch Hội chống Hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục nêu rõ.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trên cả nước qua kiểm tra đã phát hiện 6.597 vụ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách 19 tỷ đồng. Riêng TP Hà Nội đã phát hiện gần 1.400 vụ sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.


Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu

"Để ngăn chặn hàng giả đòi hỏi DN phải chủ động bảo vệ thương hiệu. Công nghệ là một trong những biện pháp cần thiết để phòng và chống. Có thể là cài đặt mật khẩu, sử dụng tem, mã PR Corde, hay sử dụng cả blockchain - công nghệ mới trong thời kỳ 4.0 để bảo vệ thương hiệu cho mình. Ngoài ra, DN cần cập nhật thêm kiến thức mới để có những biện pháp đầy đủ, an toàn và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị mình." - Phó Chủ tịch Hội chống Hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục


Còn tâm lý ngại tuyên bố thông tin hàng giả

"Mặc dù Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm nhưng vẫn còn những khoảng trống so với thực tế.

Chẳng hạn, khoản 14 Điều 3 về khái niệm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ quá rộng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xử lý hàng hóa không đủ giấy tờ.

Ngoài ra lực lượng QLTT gặp khó khăn trong việc xác định hàng thật - hàng giả do nhiều chủ sở hữu thiếu quyết liệt ngăn chặn. Nguyên nhân là do tâm lý DN lo ngại sau khi công bố thông tin về hàng giả sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm của DN khác nên chấp nhận “sống chung” với hàng giả." - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên


Cần đẩy nhanh tiến độ xây quy chuẩn hàng xuất xứ Việt Nam

"Thực tế quá trình ngăn chặn hàng gian lận nguồn gốc xuất xứ cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy chuẩn thế nào là hàng "Made in Vietnam" nên QLTT chỉ có thể kiểm tra, bắt giữ hàng hóa nhập lậu.

Còn hàng hóa sản xuất trong nước, gắn nhãn “Made in Vietnam” thì chưa có căn cứ xác minh xuất xứ đó có đúng hay không. Do vậy, để đẩy lùi hàng giả, hàng không rõ xuất xứ núp bóng "Made in Vietnam", yêu cầu đặt ra là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ tiêu chuẩn hàng "Made in Vietnam". Đồng thời phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các lực lượng chức năng kiểm soát tốt thị trường." - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh