Cuối năm nóng chuyện pháo lậu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù lực lượng chức năng đã bắt giữ, triệt phá hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển pháo lậu nhưng vì lợi nhuận cao nên vào thời điểm cuối năm, hoạt động buôn bán mặt hàng này lại càng “nóng”, khiến cuộc chiến chống pháo lậu thêm căng thẳng.

 Quản lý Thị trường Hà Nội thu giữ pháo lậu. Ảnh: Lê Nam
Bán pháo lậu qua Facebook

Ngày 25/12/2018 vừa qua, tại điểm giao nhận hàng của bưu cục Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8 (Cục QLTT Hà Nội) khi kiểm tra ô tô BKS: 29KT- 007.13 đã phát hiện 23kg pháo lậu cất giấu trong các bao hàng quần áo. Trước đó, ngày 16/11/2018, tại đường Võ Nguyên Giáp (huyện Sóc Sơn), lực lượng chức năng kiểm tra một xe taxi đã phát hiện xe này đang vận chuyển 19kg pháo nổ và 197kg pháo hoa từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ.
Nhằm ngăn chặn việc buôn lậu pháo nổ trong dịp Tết Kỷ Hợi, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 6269/UBND-KT và Chỉ thị số 14/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo tại Hà Nội. UBND TP giao Công an TP xây dựng kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo. Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý Thị trường tập trung phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo.
Thực tế, dù nằm trong danh mục cấm nhưng việc mua bán, vận chuyển pháo trái phép vẫn diễn ra, thậm chí các đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để chào bán pháo nổ một cách công khai. Chỉ cần lướt một số Fanpage mua bán online sẽ tìm được các thông tin rao bán công khai pháo nổ. Lần theo tài khoản “Trang Đình Giang” trên Facebook, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị phát hiện tài khoản này rao bán công khai nhiều loại pháo khác nhau, kèm theo hình ảnh chi tiết cho từng loại. Cụ thể hộp 16 quả loại lớn giá 250.000 đồng, hộp 30 quả loại bé, hoặc trung giá từ 250.000 - 450.000 đồng, hộp 36 quả tùy kích cỡ giá từ 350.000 - 550.000 đồng, hộp 49 quả loại to 750.000 đồng; pháo bánh dài từ 2 - 10m giá từ 300.000 - 1 triệu đồng/bánh; pháo trứng tùy theo kích thước to, nhỏ có giá từ 20.000 - 120.000 đồng/quả… Chủ tài khoản còn cho biết, khách hàng ở xa sẽ được hỗ trợ giao hàng với đơn hàng dưới 2 triệu đồng, giá ship (vận chuyển) là 100.000 đồng, trên 2 triệu đồng sẽ được giao hàng miễn phí.

Lướt mạng xã hội Facebook có thể thấy thêm hàng chục tài khoản khác cũng ngang nhiên buôn bán mặt hàng này. Cách thức mua bán của các đối tượng này chỉ là trao đổi qua điện thoại với từng khách hàng đơn lẻ, thanh toán không dùng tiền mặt mà khách phải trả 30% tiền cọc bằng mã thẻ cào nạp tiền điện thoại, số tiền còn lại sẽ chuyển qua tài khoản khi nhận được hàng.

Quản chặt hơn nữa

Từ năm 1995, Việt Nam đã cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo trong phạm vi cả nước, sau khi quy định được ban hành, hoạt động sản xuất, buôn bán, sử dụng pháo đã được kiểm soát chặt chẽ. Thế nhưng, những năm gần đây tình hình buôn bán, vận chuyển pháo từ nước ngoài về Việt Nam đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Nếu như những năm trước, hoạt động vận chuyển pháo lậu chủ yếu qua tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc, thì hiện nay lại đang diễn ra ở các tuyến biên giới miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên...

Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San cho biết: Nguyên nhân khiến hoạt động buôn lậu pháo diễn ra mạnh mẽ dịp cuối năm bởi đây là mặt hàng thu lãi cao. Tại Trung Quốc một bánh pháo hoa chỉ từ 10 - 15 Nhân dân tệ (tương đương 35.000 - 45.000 đồng), những quả pháo trứng ở bên kia biên giới có giá 5.000 - 7.000 đồng, nhưng khi được vận chuyển trót lọt về Việt Nam, mỗi kilôgam pháo có thể thu lời bạc triệu.

Việc đấu tranh, xử lý hoạt động buôn bán pháo nổ trái phép hiện gặp không ít khó khăn do Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 lại quy định “Kinh doanh pháo nổ” là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, còn việc kinh doanh các loại pháo khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo hoa là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, không xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng loại pháo này xét về tính chất, mức độ nguy hiểm tương tự pháo nổ. Vì vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh buôn bán pháo công khai trên không gian mạng.