Cuối tháng 9, hoàn thành nạo vét Hồ Tây

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 14/8/2017 có thông tin về việc "Không có chuyện san lấp, lấn chiếm lòng Hồ Tây".

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan. Đại diện Ban Quản lý Hồ Tây và UBND quận Tây Hồ khẳng định: Không có chuyện lấp Hồ Tây để làm nhà hàng, khách sạn.

Bùn nạo vét từ lòng Hồ Tây được đổ vào hố xuất chờ khô để mang đi đến nơi tập kết.

Khu vực góc Hồ Tây được một số ý kiến cho là đang bị lấp nằm đối diện từ số 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi. Theo ghi nhận của phóng viên cũng như thông tin từ Ban Quản lý Hồ Tây, hiện tại một số máy móc chuyên dụng đang hoạt động hết công suất để thực hiện nạo vét và múc bùn thải từ lòng hồ lên, sau đó sẽ được chuyển đi nơi khác.
Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, trước đây, tại khu vực này tồn tại nhiều vi phạm về neo đậu các phương tiện thủy. Sau khi thực hiện nghiêm túc các quyết định của TP Hà Nội về việc di dời các phương tiện thủy, một lượng lớn bùn, rác thải ùn ứ, bèo và các bụi cây mọc dại gây ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan đô thị khu vực xung quanh. Đây cũng là lý do việc vét bùn thải sau khi di dời các nhà hàng nổi trên Hồ Tây được thực hiện.
Phó Trưởng Ban quản lý hồ Tây Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trước năm 2016, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho UBND quận Tây Hồ tiến hành triển khai nạo vét một số khu vực hạ tầng xung quanh Hồ Tây. Ban Quản lý Hồ Tây được quận Tây Hồ giao thực hiện dự án, đến nay đã triển khai tại 4 vị trí và đang nạo vét tại vị trí thứ 5, kéo dài từ Làng văn hóa Việt Nhật đến Câu lạc bộ Hà Nội, bao trọn đường Thanh Niên. Dự án này đã được TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở Xây dựng đã ra thông báo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, để thực hiện được phương án thi công nạo vét bùn trong lòng Hồ Tây phải có một bể chứa được gọi là mố xuất. Mố xuất này có công dụng làm nơi chứa bùn đất sau khi móc từ lòng hồ lên chờ khô rồi mới chuyển đi tránh bùn ướt rơi vãi gây mất vệ sinh môi trường. Sau khi cải tạo, nạo vét xong, mố xuất này sẽ được phá bỏ hoàn toàn để hoàn trả nguyên trạng mặt nước Hồ Tây. “Thông tin xuất hiện trên mạng xã hội cho rằng cơ quan chức năng đổ đất lấp hồ là không chính xác và có sự hiểu lầm. Đây là phương án thi công hoàn đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo công tác nạo vét được hiệu quả” – ông Tuấn khẳng định.
Trước khi thi công, Ban Quản lý Hồ Tây đã có thông báo khởi công công trình vào ngày 17/7 và thời gian thi công là 2 tháng đến chính quyền sở tại là UBND phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ để phường thông báo đến người dân. Lãnh đạo UBND phường Thụy Khuê cho biết, sau khi thông báo đến người dân về việc triển khai dự án, người dân trên địa bàn đều đồng tình ủng hộ.
Theo tìm hiểu, người dân tại đây khi được hỏi đều rất vui mừng khi dự án nạo vét bùn, dọn bãi sình lầy sau khi di dời các nhà nổi được thực hiện. Ông Nguyễn Đình Phong, số nhà 124, phố Thụy Khuê phấn khởi cho biết: “Người dân chúng tôi mong mỏi từ lâu, cuộc họp nào chúng tôi cũng đề nghị các cấp nhanh chóng di chuyển các loại tàu thuyền và làm sạch sẽ khu vực này”.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng thông tin, dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9/2017 đảm bảo nạo vét bùn đất tại khu vực cũng như di dời toàn bộ vật liệu trên mặt hồ, trả lại nguyên trạng cảnh quan, cải thiện môi trường khu vực. Vì vậy, những thông tin về việc lấp Hồ Tây là không đúng và không có căn cứ. Hồ Tây đã và đang được các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường cảnh quan.
Dự án Thi công công trình nạo vét, cải tạo lòng Hồ Tây khu vực từ số 2 - 10 Nguyễn Đình Thi có chiều dài 286m, rộng từ kè ra lòng hồ 70m (khoảng 2ha), do Ban Quản lý Hồ Tây làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần