Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cưỡng chế thi hành án: Nhiều tình huống oái oăm

Cung Thúy Quỳnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vụ việc cưỡng chế thu hồi đất, thi hành án dân sự luôn gặp những tình huống oái oăm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thực thi pháp luật.

Mới đây, ngày 21/10, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng quận Thanh Xuân tổ chức cưỡng chế, giải tỏa công trình ở phường Phương Liệt, GPMB để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng).
Trước đó, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc bồi thường, GPMB dự án này, quận Thanh Xuân đã ban hành các kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ, bồi thường GPMB, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, còn 2 hộ dân thuộc địa bàn phường Phương Liệt chưa thực hiện.
Lực lượng chức năng quận Thanh Xuân tổ chức cưỡng chế, giải tỏa công trình ở phường Phương Liệt, 

GPMB để thực hiện dự án đường Vành đai 2. Ảnh: Thái San

Đến ngày tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, vẫn còn 1 hộ nhất quyết “cố thủ” trong nhà, có cả người già, trẻ nhỏ. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ lực lượng chức năng quận Thanh Xuân kiên trì vận động, thuyết phục, cuối cùng, gia đình này cũng chịu bàn giao mặt bằng.
Một tình huống khác, đương sự là Giám đốc một DN tư nhân, phải trả nhà trong một vụ tranh chấp. Suốt quá trình giải quyết vụ việc, các bút tích trong hồ sơ, từ sơ thẩm, phúc thẩm đến thi hành án… đương sự đều sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Kinh).
Tuy nhiên, trước ngày diễn ra cuộc cưỡng chế, chấp hành viên tá hỏa khi vị giám đốc này nói tiếng dân tộc Mường, lúc sau lại sử dụng tiếng Tày. Với tình huống này chấp hành viên đã nhanh trí mời hai phiên dịch tiếng Mường và tiếng Tày đến hỗ trợ trong vụ cưỡng chế.
Trong một vụ cưỡng chế giao nhà đất (là tài sản thế chấp) cho ngân hàng mới đây, một chi cục thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn Hà Nội gặp phải tình huống oái oăm. Ngay sau khi lực lượng thi hành án đọc quyết định cưỡng chế và thực hiện mở khóa cửa vào trong thì xuất hiện một con chó lớn hung hãn từ trong nhà xông ra.
Được biết, đây là con chó mà chủ nhà mới đưa về từ rạng sáng ngày diễn ra vụ cưỡng chế. Trước tình huống này, Chi Cục trưởng THADS đã nhanh trí mời lực lượng thú y đến bắt chó lại và thông báo cho chủ nhà đến nhận.
Cách đây vài năm, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một phụ nữ bị vết cắn sâu ở tay khi tham gia tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng ở phường Dương Nội (quận Hà Đông). Chị chia sẻ, khi đang tham gia tuyên truyền, vận động, một người dân đã xông ra… cắn vào tay chị.
Cũng trên địa bàn quận Hà Đông, khi lực lượng chức năng quận tham gia các vụ cưỡng chế, giải tỏa, đã gặp không ít tình huống éo le. Thậm chí, nhiều chủ nhà, người dân quá khích đã ném chất thải, chất bẩn vào lực lượng chức năng.
Trong những vụ cưỡng chế, thi hành án, lực lượng chức năng thường gặp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ nhà. Mới đây, sáng 7/8, lực lượng chức năng huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) tiến hành cưỡng chế nhà của gia đình ông Phạm Hoàng Kiếm (60 tuổi, trú tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) theo bản án có hiệu lực của pháp luật. Trong lúc thực hiện cưỡng chế, phía gia đình ông Kiếm đã dùng xăng, dao tấn công lực lượng làm nhiệm vụ khiến nhiều người bị thương.
Thực tế, có nhiều tình huống éo le xảy ra vào phút thứ 89 trong các vụ tổ chức cưỡng chế, thi hành án khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn. Giải quyết những vụ việc này đòi hỏi những người thực thi pháp luật phải có trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng xử lý tình huống linh hoạt, nếu không sẽ rơi vào thế bị động, ảnh hưởng đến tiến độ cưỡng chế, thi hành án. Tuy nhiên, qua các vụ việc trên cho thấy, cần có cơ chế bảo vệ tốt hơn đối với các lực lượng chức năng trong khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh các đối tượng chây ỳ, chống đối cưỡng chế, thi hành án để làm gương, kể cả phải xử lý hình sự.