Cương quyết bỏ thủy điện nhỏ

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù lũ lụt đang diễn ra tại miền Trung được nhận định có nguyên nhân do biến đổi khí hậu cực đoan, với nhiều tổ hợp thiên tai cùng lúc, thế nhưng vẫn không ít ý kiến cho rằng, việc phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ tại các địa phương trong thời gian vừa qua cũng là một trong những tác nhân quan trọng.

Còn nhớ cách đây đúng 3 năm, khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về "tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: Những công trình thủy điện nhỏ nhưng phá rừng lớn, trong khi việc trồng rừng trở lại chưa được bao nhiêu. Thủ tướng đề nghị các địa phương, phát triển thủy điện nhỏ có mức độ.

Trao đổi về vấn đề này tại hành lang Quốc hội cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng khẳng định, không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ. Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ TN&MT, thủy điện bao giờ cũng có hai mặt, bên cạnh sự đóng góp cho phát triển kinh tế, năng lượng thì cũng gây ra hệ lụy không ít đến môi trường. Với thủy điện lớn, bài toán cắt lũ được giải quyết tốt, giúp điều tiết nước để cung cấp nước cho hạ du. Tuy nhiên thủy điện nhỏ không có chức năng này, chủ yếu chỉ phát điện.

Nhìn nhận này là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ trên thế giới nhiều nước cũng đã và đang phá bỏ dần các thuỷ điện nhỏ vì nó làm cho các dòng chảy bị hỗn loạn và gây ra hậu quả về môi trường. Còn tại Việt Nam, theo tổng kết của các chuyên gia ngành lâm nghiệp cho thấy, 1ha rừng trong một trận mưa hút được 4m3 nước, số nước đó ngấm xuống đất, sau đó mới từ từ chảy ra sông, suối.
Trước đây, khi còn rừng, dòng chảy mặt rất thấp, nó nằm ở dưới ngầm. Lũ cũng không có nhiều vì nước ngấm xuống đất đá rồi mới chảy ra dần. Nhưng khi rừng bị phá, dòng chảy mặt rất lớn. Càng phá rừng càng dễ xảy ra hiện tượng sa mạc hóa và hậu quả là dẫn đến sạt lở đất.

Và sau câu chuyện thủy điện xả lũ ở miền Trung thời gian qua, có lẽ vấn đề quy hoạch thủy điện là bài học lớn nhất. Thực tế cho thấy, ngoài những dự án lớn do Nhà nước đầu tư, hầu hết các dự án thủy điện nhỏ đều do tư nhân làm, có tiền đăng ký là được.
Có lẽ vì thế mà dù đã loại bỏ hơn 400 dự án, quy hoạch thủy điện nhỏ đến nay vẫn là con số không hề nhỏ, với 290 công trình (2.995,36 MW) đang vận hành phát điện; 138 dự án (1.793,2 MW) đang thi công xây dựng; 299 dự án (3.296,6 MW) đang nghiên cứu đầu tư; 67 dự án (412,2 MW) đang manh nha nhưng chưa nghiên cứu đầu tư.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc xây dựng thủy điện phát triển thành phong trào như hiện nay có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành ở T.Ư, khi đã dễ dàng chấp nhận đề xuất của địa phương cho bổ sung hàng loạt dự án vào kế hoạch phát triển. Tuy nhiên lỗi mấu chốt vẫn thuộc về các địa phương, những chính sách khuyến khích về tài chính đã tạo cơ hội cho không ít DN nhảy vào đầu tư bất chấp những hệ lụy về rừng và gánh nặng đè lên vai người dân nghèo.
Minh chứng rõ thấy nhất là diện tích rừng ngày càng thu hẹp, hệ sinh thái sông ngòi gần như biến mất dù là mùa khô hay mùa lũ, thậm chí tính mạng, tài sản của người dân hiện nay cũng đang bị đe dọa bởi thủy điện là đang phát triển tập trung tại các lưu vực sông tại miền Bắc, miền Trung. Thế nhưng những đánh giá tác động trước khi đưa vào vận hành một nhà máy thủy điện nhỏ còn bỏ sót quá nhiều, gây hệ lụy nặng nề cho nền kinh tế - xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần