Cương quyết hơn với nạn mê tín dị đoan, đốt vàng mã

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ mua vàng mã để hoá ở các gia đình, mùa xuân - mùa lễ hội - nhiều người có điều kiện để đi chùa này phủ nọ..., vì vậy họ không quên sắm sửa nhiều tiền vàng, lễ vật để cầu vinh hoa phú quý.

Mặc dù Chính phủ đã có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá..., nhưng trên thực tế, nạn mê tín dị đoan và đốt vàng mã tràn lan tại các gia đình và lễ hội, di tích lịch sử... vẫn không thuyên giảm.

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, có lẽ vì thế mà đời sống người dân càng được nâng lên thì người ta lại càng có điều kiện để hướng về ông bà tổ tiên nhiều hơn và hành động cụ thể là sắm đủ thứ (bằng đồ mã) để cúng, tế tổ tiên. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, đồ mã để dâng cúng tổ tiên bây giờ cũng không còn đơn thuần là những bộ quần áo, tiền vàng, mũ ngựa như ngày xưa mà gồm đủ thứ hiện hữu trong cuộc sống thường ngày. Nếu có điều kiện qua phố Lương Văn Can (Hà Nội), chúng ta sẽ thấy hằng hà sa số những nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh....những gì ở trên trần có thì đều có ở những cửa hàng mã nơi đây.

Bác M bán vàng, mã từ hơn 10 năm nay ở phố Lương Văn Can, cho biết: Trước đây, người dân chỉ mua một ít tiền, vàng hoặc một vài bộ quần áo tượng trưng để đốt cho ông bà, tổ tiên. Song bây giờ xu hướng đốt nhiều vàng mã ngày càng tăng. Trung bình mỗi gia đình sắm mã cúng rằm khoảng 30.000-50.000 đồng/lễ, nhà nào khá giả thì 200.000-300.000 đồng. Dân buôn bán giàu có sắm lễ tới vài triệu là chuyện thường. Ở cửa hàng của bác M, mỗi ngày có khoảng gần hai chục người đến đặt hàng và mua lẻ. Ngoài quần áo, giày dép, tiền vàng, vật dụng thông thường, đồ mã bây giờ có cả xe hơi, điện thoại di động, thậm chí cả mỹ phẩm, máy tính xách tay...

Không chỉ mua vàng mã để hoá ở các gia đình, mùa xuân - mùa lễ hội - nhiều người có điều kiện để đi chùa này phủ nọ..., vì vậy họ không quên sắm sửa nhiều tiền vàng, lễ vật để cầu vinh hoa phú quý. Đó cũng là lý do mà tại các chùa, đền nổi tiếng như phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ, Phúc Khánh..., nhất là chùa Hương, đền Bà Chúa Kho... những lò hóa vàng mã thường xuyên đỏ lửa, cây cối xung quanh héo khô vì hơi nóng, khói và tàn tro bay nghi ngút. Thành lò hóa mã tróc lở hết lớp xi măng trát ngoài vì sức nóng. Tại nhiều nơi hoá vàng mã, mọi người phải xếp hàng chờ đến lượt đốt mã.

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, làng Cót (Từ Liêm, Hà Nội) và làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) hiện là nguồn sản xuất, cung cấp vàng mã lớn cho các tỉnh thành lân cận. Mỗi ngày ở đây tiêu thụ gần 3.000 kg giấy. Phố Hàng Mã, Lương Văn Can và các chợ lớn trong thành phố Hà Nội là điểm bán buôn, bán lẻ hàng mã, dịp này luôn tấp nập. Năm nay, giá vàng mã cao hơn do được xếp vào danh sách 8 loại hàng hóa phải chịu thuế thu nhập đặc biệt. Tuy vậy, sức tiêu thụ mặt hàng này không hề giảm, đồng nghĩa với nó là hàng năm, hàng chục tỷ đồng tiền thật đã được thiêu rụi trong các lò hoá mã ở các lễ hội...

Đáng lưu tâm, tình trạng lạm dụng, quá đà trong việc thể hiện tín ngưỡng của một bộ phận người dân dẫn tới việc đốt vàng mã tràn lan và hoang phí như hiện nay không chỉ là hành động mê tín dị đoan mà còn là biến tướng của lối sống thực dụng thời kinh tế thị trường. Với quan niệm "trần sao âm vậy", vô hình chung nhiều người đã đốt mã như "hối lộ cõi âm" chứ không còn đơn thuần với ý nghĩa chăm lo, báo hiếu với tổ tiên.

Ngày 12/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá. Trong đó, tại Điểm C, Điều 18 có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác. Nghị định đã có hiệu lực hơn một năm nay, thế nhưng thực tế vẫn chưa có hiện tượng nào bị xử phạt như quy định, có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nạn đốt vàng mã không hề thuyên giảm thậm chí có chiều hướng gia tăng như hiện nay. Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phải sâu sát hơn nữa trong việc kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động tại các lễ hội sao cho đúng quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần