Cứu cánh cho đào tạo du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Du lịch (DL) đang nuôi ý tưởng xây dựng bộ tài liệu song ngữ Tiêu chuẩn nghề DL Việt Nam (VTOS) phiên bản 2013 do Dự án EU thực hiện thành bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia. Đây được xem là cứu cánh cho công tác đào tạo nghề DL trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều bất cập

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề DL trong Cộng đồng ASEAN (MRA - TP) đã chính thức có hiệu lực, cuộc đua nhân lực DL trong khối ASEAN ngày càng trở nên gay gắt. Vậy mà đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có khung trình độ nghề DL quốc gia để so sánh với khung trình độ tương đồng trong khối ASEAN. Đây là một thiếu hụt vì khung trình độ nghề DL quốc gia là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc triển khai MRA - TP. Mặt khác, vì chưa có khung trình độ nghề DL quốc gia, nên các cơ sở đào tạo trong nước chưa có giáo trình chung. Được biết, các trường nghề thuộc Bộ VHTT&DL chủ yếu áp dụng giáo trình theo hệ thống VTOS phiên bản 2012, hoặc thí điểm giáo trình chung của các nước ASEAN. Các tập đoàn, DN DL lại có bộ tiêu chuẩn đào tạo riêng. Còn Bộ LĐTB&XH lại thí điểm bộ tiêu chuẩn của Malaysia ở các trường nghề trực thuộc Bộ này.
Hướng dẫn viên giới thiệu về chùa Trấn Quốc cho du khách quốc tế. 	Ảnh: Công Hùng
Hướng dẫn viên giới thiệu về chùa Trấn Quốc cho du khách quốc tế. Ảnh: Công Hùng
Một bất cập nữa là trong ASEAN có 6 bộ tiêu chuẩn nghề chung, còn ở Việt Nam có 8 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia trong lĩnh vực DL. Tuy nhiên, trong 8 bộ tiêu chuẩn này lại không có đầy đủ 6 bộ tiêu chuẩn nghề DL chung của ASEAN, vẫn còn thiếu 2 nghề Lễ tân và Buồng. Thêm vào đó, nghề DL trong khối ASEAN sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung, còn ở Việt Nam, các tiêu chuẩn nghề mới chỉ có tiếng Việt. Cho nên vẫn chưa có căn cứ để so sánh tiêu chuẩn nghề quốc gia của Việt Nam với tiêu chuẩn nghề trong ASEAN…

Có thể áp dụng ngay

Trước những bất cập đó, bộ tiêu chuẩn song ngữ VTOS phiên bản 2013 vừa được Dự án EU bàn giao cho Tổng cục DL được xem là cứu cánh cho công tác đào tạo nghề DL ở Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, theo Tổng cục trưởng Tổng cục DL Nguyễn Văn Tuấn, VTOS phiên bản 2013 được xây dựng dựa trên 10 lĩnh vực nghề chính. Những tiêu chuẩn này cũng xác định cụ thể những gì người lao động cần biết và làm được, cũng như cách thực hiện để có thể hoàn thành công việc trong bối cảnh môi trường làm việc cụ thể. Đặc biệt, tiêu chuẩn VTOS phiên bản 2013 được xây dựng tương thích với Thỏa thuận MRA - TP về nghề DL trong ASEAN có hiệu lực từ năm 2016. Mặt khác, tiêu chuẩn VTOS này còn có thể áp dụng ngay tại những cơ sở đào tạo của các DN DL từ quy mô nhỏ đến lớn, cũng như xây dựng giáo trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng… Chính bởi những điểm ưu việt đó, ông Tuấn cho biết, tới đây, ngành DL sẽ đồng bộ hóa để nâng cấp bộ tiêu chuẩn này thành bộ tiêu chuẩn nghề DL quốc gia. Sau khi được ASEAN công nhận, tất cả nhân viên và người lao động của Việt Nam được đào tạo theo bộ tiêu chuẩn này sẽ được cấp chứng chỉ và hoàn toàn có thể dùng chứng chỉ đó làm việc tại các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Được biết, mỗi năm ngành DL Việt Nam cần thêm 40.000 lao động nhưng sinh viên ra trường chỉ khoảng 15.000 người, trong đó hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đạt yêu cầu của DN, dẫn đến tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu lao động. Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục DL) Vũ Quốc Trí nhận định, nếu VTOS phiên bản 2013 được xây dựng thành bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia thành công và lao động DL Việt Nam có đủ năng lực quy định trong bộ tiêu chuẩn này, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước và cạnh tranh được trong khối ASEAN.