Cựu Đại sứ Nguyễn Phú Bình: "Vị thế Việt Nam sẽ rất khác sau thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2"

Bài và ảnh: Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Thái Lan có thể muốn, Mông Cổ cũng có thể, nhưng Việt Nam lại là nơi được chọn".

Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Việt Nam sắp tới, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Phú Bình đã chia sẻ quan điểm về sự kiện lần này.

Trước khi giữ vị trí Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Phú Bình từng có thời gian học tập tại Triều Tiên (1965-1970), sau đó về nước làm việc tại Bộ Ngoại giao. Từ năm 1973 tới 1977, ông công tác tại ĐSQ Việt Nam ở Triều Tiên với vai trò cán bộ ngoại giao.

 Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản Nguyễn Phú Bình.

"Nhất định phải có tiến triển"

Không khí hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên tiến triển như thế nào so với lần gặp thượng đỉnh đầu tiên, thưa ông?

Tôi nghĩ cuộc gặp lần đầu rất quan trọng. Từ chỗ hai bên thù địch với nguy cơ chiến tranh tiềm tàng. Triều Tiên luôn lo Mỹ thực hiện tập trận rồi quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản có thể tấn công Triều Tiên bất cứ lúc nào; trong khi Mỹ lo Triều Tiên có vũ khí hạt nhân vươn tới được lãnh tổ Washington. Lúc bấy giờ hai bên đấu tranh dư luận rất mạnh.

Trong bối cảnh đó, thượng đỉnh lần 1 dẫn đến 4 điểm, đưa đến những nguyên tắc lớn điều phối giữa 2 nước và vẽ ra viễn cảnh giữa 2 nước không còn thù địch, có quan hệ bình thường, thiết lập cơ chế hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.

Hai nữa là rõ ràng sau đó hai bên kiềm chế và thể hiện quyết tâm.  Từ đấy đến chuyện hai liên Triều rất nhộn nhịp. Hai bên đã khảo sát và tiến tới thiết lập đường sắt, vốn đình trệ tư năm 1953 đến giờ nên mang ý nghĩa lớn. Đặc biệt là việc lãnh đạo hai miền liên Triều sang lãnh thổ của nhau.

Có thể thấy không khí đã khác, và tất cả các nước quanh bán đảo Triều Tiên đều vun vào chứ không nước nào ngãng ra cả. Không khí hợp tác, thiện chí, hòa bình từ sau lần gặp đầu đến nay vẫn duy trì.

Liệu Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ đưa ra được một kết quả nào cụ thể?

Chắc chắn phải có tiến triển hơn thì hai bên mới tổ chức cuộc gặp lần này. Mỹ và Triều Tiên dã tích cực trao đổi hơn rất nhiều. Phía Triều Tiên cử phái viên sang Mỹ và Mỹ cũng đã cử ngoại trưởng, các phái viên khác đến Triều Tiên nhiều lần.

Thứ hai, tuyên bố từ phía Triều Tiên, dù không phải là tuyên bố từ cấp cao nhất song cho thấy mong muốn có đột phá, trong khi Mỹ nói hy vọng sẽ có một cú hích quan trọng. Mặt khác, sức ép từ Mỹ cũng không còn nặng nề. Trước đây, Mỹ nói sẽ chỉ bỏ cấm vận, trừng phạt khi nào Triều Tiên giải giáp, phá hủy hoàn toàn cơ sở hạt nhân. Nhưng Tổng thống Trump gần đây lại dịu giọng, cho thấy những thiện chí mới. Với Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là quân át chủ bài, mà yêu cầu bỏ vũ khí hạt nhân trước khi bỏ cấm vận thì khó. Chắc chắn Mỹ thấy rõ không muốn vô hiện hóa những cố gắng của nhau. Hai bên sẽ luôn luôn đáp lại nhau, mỗi bên tiến một bước.

Đặc biệt, điều mà Triều Tiên vẫn mong muốn trước đây là bình thường hóa quan hệ bằng một hiệp ước hòa bình. Tôi không nghĩ hiệp ước này có ngay được vì còn liên quan đến nhiều bên như Trung Quốc, LHQ… Tuy nhiên chắc sẽ có một tuyên bố nào đó. Việc thiết lập văn phòng liên lạc giữa hai bên là tương đối thực tế như một dạng cơ quan đại điện ngoại giao cấp thấp, bước đầu trao đổi cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức.

Tôi cho rằng kỳ vọng lần này chắc chắn phải có, còn đột phá lớn hay nhỏ tùy thuộc vào lợi ích của mỗi bên.

"Việt Nam là bên được chọn" 

Vị thế Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội sau sự kiện này sẽ thay đổi ra sao, thưa ông?

Cuộc gặp thượng đỉnh lần này đánh dấu một vị thế khác cho chúng ta.

Trước đây, Việt Nam lên tiếng sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy, sau đó là Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy. Chúng ta đã thực hiện mở cửa, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, hiệp định cấp tiến, tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, đăng cai nhiều sự kiện quan trọng như ASEM, APEC… Rất nhiều nước sẵn sàng cho sự kiện thượng đỉnh lần này, Thái Lan cũng muốn, có thể Trung Quốc, Mông Cổ cũng muốn nhưng Việt Nam lại được chọn. Điều này cho thấy Việt Nam ở vị thế cao hơn nhiều so với trước đây cả về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế.

Singapore cho biết sau khi tổ chức lần thứ nhất, họ được lợi rất nhiều, từ du khách quốc tế, uy tín quốc tế, sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp và giờ là đến Việt Nam. Tôi tin lượng du khách và đầu tư nước ngoài tới Việt Nam cũng sẽ tăng.

Về Hà Nội, 20 năm trước Thủ đô đã nhận được danh hiệu thành phố vì hòa bình. Và đây là sự kiện  để củng cố danh hiệu này hơn nữa và danh hiệu này mãi mãi gắn với chúng ta. Không ai mong muốn một chiến tranh tái diễn mang lại tổn hại cho tất cả các bên. Cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ là một dấu mốc quan trọng. Hà Nội cũng từng chịu đau khổ trong chiến tranh, nhưng giờ đã trở thành một TP hòa bình.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần