Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc: "Người dân hai miền Triều Tiên luôn mong muốn được như Việt Nam"

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chọn Việt Nam làm nơi tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần hai, Mỹ có hàm ý với Triều Tiên về sự phát triển quan hệ trong tương lai, theo ông Nguyễn Phú Bình.

Trước khi giữ vị trí Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Phú Bình từng có thời gian tu nghiệp tại Triều Tiên giai đoạn 1965-1970, sau đó về nước làm việc tại Bộ Ngoại giao. Từ năm 1973 tới 1977, ông công tác tại ĐSQ Việt Nam ở Triều tiên với vai trò cán bộ ngoại giao.
Nhân dịp Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Việt Nam sắp tới, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Phú Bình đã chia sẻ những kỉ niệm trong thời gian học tập và làm việc tại Triều Tiên.
 Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Phú Bình.
“Mẫu số chung” của Mỹ và Triều Tiên
Là một nhà ngoại giao kì cựu từng có thời gian công tác tại Triều Tiên và làm Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, theo ông tại sao Việt Nam lại được chọn làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2?
Theo tôi có 3 lý do để Việt Nam lại được chọn làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
Thứ nhất, là đây là mẫu số chung của hai nước, chắc chắn cả hai bên đều thoả thuận và đi đến quyết định chọn Viêt Nam. Chúng ta  có quan hệ tốt với hai bên, tất nhiên với Mỹ có thời kỳ quan hệ thù địch nặng nề, nhưng sau 24 năm bình thường hoá quan hệ, đến giờ đã đạt sự thuận lợi, ổn định. Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. 
Trong khi đó, Việt Nam với Triều Tiên có quan hệ truyền thống tốt đẹp. Một trong những biểu tượng là mấy trăm sinh viên Việt Nam đã được đào tạo và sau trở thành những người có vị trí trong các lĩnh vực khác nhau như ngoại giao, kinh tế, lãnh đạo tỉnh, bộ ngành...  Hai nước cũng ủng hộ nhau mạnh mẽ trong thời kỳ cả hai bên căng thẳng trước nguy cơ chiến tranh.
Trong những giai đoạn Triều Tiên khó khăn, Việt Nam đã ủng hộ hỗ trợ lương thực thực phẩm. “Bạn” ngày xưa giúp mình nhiều trong chiến tranh như thực phẩm, thuốc men, phân bón, sắt thép, sau này “bạn” khó khăn thì ta hỗ trợ lại.
Thứ hai, lịch sử Việt Nam rất đặc biệt. Trước đây ta cũng từng bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo lạc hậu, nhưng giờ lại chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các cơ chế lớn. Hơn thế nữa, vị thế của Việt Nam được đảm bảo rất tốt khi đứng ra tổ chức nhiều sự kiện quốc tế, đón các nguyên thủ quốc gia.
 Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dự kiến diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam vào ngày 27-28/2 tới. 
Mỹ cũng muốn lấy mô hình Việt Nam như hàm ý để Triều Tiên thấy rằng, “các bạn cứ yên tâm, các bạn có hướng đi như Việt Nam thì chắc chắn quan hệ Mỹ, Triều Tiên cũng thế”. Dù có thể không nói ra nhưng gần đây, Triều Tiên rất quan tâm mô hình phát triển của Việt Nam. Tôi nghĩ mô hình, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam rõ ràng là thu hút được sự quan tâm của cả hai bên và họ cũng muốn coi đây là một gợi ý để cho quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ cũng như với nước khác làm sự phát triển lâu dài.
Thứ ba là về địa điểm, về địa lý mà nói thì Việt Nam không xa Triều Tiên, thậm chí so với cuộc họp thượng đỉnh lần lần đầu gần hơn nhiều và là nơi có cả hai ĐSQ. Tổ chức ở địa điểm mà cả hai bên đều biết rõ và có ĐSQ thì sẽ an tâm về hậu cần và an ninh.  
“Nỗi đau đáu hai miền”
Từng có thời gian học tập, công tác tại cả hai miền liên Triều, theo ông người dân hai miền có cảm xúc gì trước sự kiện lần này?
Rõ ràng họ mừng lắm. Sự kiện thượng đỉnh lần này cho họ thêm hy vọng tăng cường hợp tác, mở cửa. Kinh tế miền Bắc khó khăn, nhất là sau khi bị cấm vận, mọi thứ suy giảm. Rõ ràng từ người dân đến lãnh đạo mong muốn sang một giai đoạn mới để yên tâm tập trung phát triển. Mấy chục năm qua, vì căng thẳng họ vẫn phải tập trung phát triển quân sự. Cho tới nay Triều Tiên muốn tập trung phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ và giao thương với các nước.
Còn đặc biệt ở miền Nam, người dân đã quen sống hòa bình, thịnh vượng trong bao năm nay, và không mong muốn lại cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang. Trước đây tôi làm Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, thời điểm Triều Tiên rút khỏi Hiệp định về phi hạt nhân, nhiều Việt kiều rất lo lắng, thường xuyên liên hệ với ĐSQ bởi lo ngại nguy cơ chiến tranh.
 
Đó là về tâm tư, còn trong trường hợp hai miền tăng cường cởi mở và hợp tác với nhau sẽ đem lại hiệu quả lớn. Tài nguyên của bán đảo Triều Tiên tập trung ở phía Bắc, trong khi đó, nhân lực Hàn Quốc vẫn còn thiếu thốn, có thể bổ sung cho nhau cùng phát triển. 
Cơ sở hạ tầng của miền Bắc rất tốt. Năm 1965 tôi sang Triều Tiên là cạnh trường có những lúc thấy xe ngày đêm lấy đất đá từ lòng núi chở đi xây dựng. Trong giai đoạn tôi làm việc tại ĐSQ năm 1973-1977, Triều Tiên khánh thành rất nhiều đoạn điện ngầm. Tàu điện ngầm họ làm phục vụ cho cả trong chiến tranh, và cũng đưa các tác phẩm nghệ thuật vào hệ thống, mang hơi hướng cách mạng.
Với cơ sở vật chất như vậy, khi tiếp tục mở cửa, Triều Tiên sẽ phát triển rất mạnh. Hòa bình là yếu tố đem lại hòa bình nên chắc chắn hai bên rất ủng hộ.  
Về người dân hai miền, dù ý thức hệ khác nhau, nhưng đều có điểm chung là mong muốn thống nhất. Họ thấy Việt Nam thống nhất được rồi họ rất ngưỡng mộ và mong muốn một lúc nào đó cũng được như Việt Nam.Tính cách nhìn chung đều rất ý chí, mạnh mẽ và bộc trực
Kinh tế Hàn Quốc phát triển nhưng vấn đề thống nhất vẫn khiến họ rất đau đáu và khổ tâm. Tôi gặp nhiều người miền Bắc di cư xuống miền Nam khi chiến tranh kết thúc. Họ nhớ miền Bắc, coi đó là ruột thịt. "Anh em trong nhà có lúc không ưa nhau nhưng vẫn là ruột thịt, họ nói vậy đấy.   
“Mảnh đất thân thiết”
Ông có thể chia sẻ thêm về cảm nhận và những kỷ niệm với mảnh đất Triều Tiên?
Hồi còn trẻ tôi học tập và làm việc ở Triều Tiên và quay lại đây đợt năm 2005 sau 28 năm, lúc đó là trên cương vị Thứ trưởng Bộ ngoại giao với mục đích tham khảo chính trị. Tôi nghĩ đó là một mảnh đất rất thân thiết với mình. Trong lúc chiến tranh, họ đã nhận và nuôi nấng hàng trăm sinh viên Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh có chủ trương là trong lúc đưa lực lượng ra tiền tuyến chiến đấu, vẫn đưa một số thanh niên, cán bộ có khả năng sang học tập tại các nước XHCN, trong đó có Triều Tiên. Chúng tôi đã ăn ở và sinh sống trong một môi trường thân tình.
Dù sau này chưa có dịp quay trở lại, tôi vẫn giữ quan hệ tốt với ĐSQ Triều Tiên.
Giữa Việt Nam và Triều Tiên có nhiều cơ sở hữu nghị. Ngày trước chúng ta có hợp tác xã Việt – Triều ở Đan Phượng, bên kia họ có một nông trang tập thể Triều-Việt. Hiện vẫn có cơ sở mẫu giáo Việt – Triều ở Trung Tự. Đợt Triều Tiên sang giúp ta xây cơ sở mẫu giáo này thì thì tôi mới kết thúc nhiệm kì công tác ở Triều Tiên năm 1977 nên cũng có cơ hội hỗ trợ các công tác phiên dịch cho các chuyên gia xây dựng ngôi trường.
Nhà máy dệt Nam Định cũng kết nghĩa với nhà máy dệt Bình Nhưỡng. Triều Tiên có đội ngũ chiến sỹ không quân sang giúp đỡ Việt Nam chiến đấu và thậm chí hy sinh. Hài cốt giờ đã được chuyển về Triều Tiên nhưng bia dựng biểu tượng vẫn còn và được người dân Việt Nam chăm sóc chu đáo.
Một kỷ niệm khó quên của tôi là được đón Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm kí túc xá lưu học sinh quốc tế của Trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành, ở Bình Nhưỡng vào tháng 12/1965. Ký túc xá cũ cho lưu học sinh quốc tế ở bên đường đối diện, nhưng đoàn lưu học sinh Việt Nam sang một lúc tới 200 người nên họ phải xây thêm một tòa nhà mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần