Cứu di sản khỏi những xót xa

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở hữu nhiều khối di sản khổng lồ, Việt Nam trở thành quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch di sản vào bậc nhất trong khu vực. Ðó là thế mạnh, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khi cùng với sự phát triển nóng của ngành du lịch lại đang tiềm ẩn nguy cơ khai thác theo lối tận thu, dẫn đến việc phá hoại di sản, phá hoại cảnh quan thiên nhiên.

 Công trình Panorama 
Ai đã từng vượt hàng nghìn kilomet, đặc biệt là trải qua gần 10 tiếng đồng hồ vượt cung đường hiểm trở từ TP Hà Giang lên Đồng Văn, rồi đến Mã Pì Lèng đều khao khát được ngắm cảnh quan hoang sơ của địa danh được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010. Thế nên, rất dễ hiểu tại sao công trình Panorama với đầy đủ các tiện nghi để ngủ nghỉ, check in, giải trí nằm giữa đường đèo Mã Pì Lèng lại hấp dẫn đến vậy. Tuy nhiên, vì tư duy tận thu, mà chủ công trình đã quên trách nhiệm bảo tồn di sản. Công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng đã được xử lý theo hướng cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân cho khách du lịch là những gì Bộ VHTT&DL thống nhất để trả lại vẻ đẹp vốn có của Mã Pì Lèng.
Thực tế trước đó, nhiều địa phương sai lầm trong phát triển du lịch đã đánh đổi di sản cùng với cảnh quan tươi đẹp và môi trường trong lành. Dễ thấy nhất là Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) đã rơi vào thảm họa xây dựng tràn lan, quá tải du lịch, tác động tiêu cực cảnh quan môi trường. Để rồi, nếu như 10 năm trước, Sa Pa, Đà Lạt là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn, thì nay với những người yêu thích vẻ đẹp hoang sơ vốn có của di sản đều lắc đều từ chối. Bởi vì, một Sa Pa mờ sương lặng lẽ, một Đà Lạt buồn mộng mơ đã dần biến mất, thay vào đó chỉ còn là đô thị du lịch, dần mất đi bản sắc và bị bê tông hoá một cách lạnh lùng. Sa Pa bị xoay vòng của bài toán phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa. Linh hồn của Đà Lạt xưa là kiến trúc độc đáo. Song sự phát triển manh mún, tự phát thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát của những năm qua đã dần xóa đi những gì vốn là đặc trưng riêng của nơi này, khiến Đà Lạt cũng trở nên xô bồ, ồn ào. Để rồi, du khách đổi biệt danh “Đà Lạt mộng mơ” thành “Đà Lạt không biết buồn”. Hiện nay, Tràng An (Ninh Bình), hay Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đang trong tình trạng báo động khi cảnh quan xây dựng đang dần phá vỡ vẻ đẹp vốn của di sản.
Di sản đẹp là để ngắm, là cần tạo những tiện ích để thu hút du lịch. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phá vỡ di sản, tận thu du lịch để kiếm tiền. Mỗi di sản đều là những tài sản quốc gia, mất đi là không thể lấy lại được hoặc phải mất rất nhiều năm mới kiến tạo được (đối với các di sản thiên nhiên). Vì thế, để di sản vẫn được bảo tồn vẹn nguyên các giá trị, cảnh quan, hệ sinh thái của địa phương không bị ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình phát triển du lịch, cần nhất là ý thức của mỗi người dân - chủ sở hữu thật sự của di sản. Mỗi cá nhân cần đối xử với di sản như với một tài sản vô giá.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần đánh giá đúng vai trò và giá trị của di sản, di tích trong tương quan với phát triển du lịch. Mỗi dự án phát triển du lịch cần tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, đánh giá những tác động của du lịch trên nhiều phương diện. Từ đó, chọn phương án thích hợp nhất với điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người của từng địa phương. Chỉ có như vậy, phát triển du lịch mới thật sự cân bằng. Và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), những giá trị di sản lại thấy rõ hơn việc phát huy giá trị khi gắn kết hài hòa với bảo tồn và phát triển.