Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cứu di tích Hà Nội khỏi xuống cấp

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục quan trọng của cả nước, Hà Nội còn là trung tâm văn hóa lớn được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống di tích đa dạng, phong phú và đặc sắc.

Tuy nhiên, tại nhiều di tích ở Hà Nội, tình trạng xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ là điều thường thấy, bởi trải qua thời gian dài không được tu bổ, tôn tạo. Mặc dù chính quyền đã quan tâm đầu tư nguồn lực giữ gìn, tu bổ di tích nhưng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước là không xuể. Vậy, có cách nào cứu di tích là vấn đề cần đặt ra để các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa và người dân để bàn thảo.
Bài 1: Bồi đắp bề dày văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Kho tàng di tích đồ sộ

Sở hữu hơn 5.900 di tích, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long); 13 di tích, cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; hơn 1.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia và hơn 1.200 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Di tích Hà Nội là sự giao thoa của văn hóa kẻ chợ và văn hóa xứ Đoài, vừa sở hữu những kinh thành tráng lệ thời kỳ phong kiến vừa giữ trong mình vẻ đẹp của hàng nghìn di sản đình chùa, vốn là nơi thực hành tín ngưỡng của người dân qua hàng trăm năm.
 Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Chưa kể, Hà Nội còn sở hữu những di sản dù chưa được xếp hạng nhưng cũng được tính vào danh mục bảo vệ, làm nên vẻ đẹp kiến trúc rất riêng, đó là những công trình được xây dựng trước năm 1930 như: Cầu Long Biên, Nhà hát lớn Hà Nội, khu phố cổ, biệt thự kiểu Pháp… Tất cả làm góp phần tạo dựng để Hà Nội là thành phố di sản.

Du khách đến với Hà Nội có thể cảm nhận bề dày 1.000 năm thông qua hệ thống di tích tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, với các hố khai quật có quy mô lớn nhất Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI này. Hoành tráng về quy mô, độc đáo về kiến trúc, lộng lẫy về nghệ thuật, Hoàng Thành chính là một biểu tượng sống động của một kinh đô được xây dựng cách đây hàng ngàn năm, là di tích độc nhất vô nhị, mang tính biểu tượng cho cộng đồng người dân Hà Nội, có giá trị lịch sử đứng vững trước thời gian, không gian.
Năm 2010, UNESCO đã công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới gắn với sự hình thành và phát triển của kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Hoàng thành Thăng Long có thể nói là sự kế thừa, tiếp nối từ di sản được coi là biểu tượng trong thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt với - thành Cổ Loa, là kinh đô của Nhà nước Âu Lạc dưới thành An Dương Vương.
Những vòng thành cổ nhất ở Đông Nam Á vẫn hiện hữu tại di tích Cổ Loa (thuộc Đông Anh, Hà Nội). Gắn với truyền thuyết thần Kim Quy nổi tiếng, Cổ Loa là minh chứng về một nhà nước Âu Lạc hùng mạnh, một bài học về bảo mật quốc gia, một bi kịch mất nước, một tiếng lòng cảm thông trước số phận tình yêu giữa hai con người trẻ tuổi (Mỵ Châu - Trọng Thủy) vừa là kẻ có tội, vừa là nạn nhân của những mưu đồ đen tối.

Du khách đến với Hà Nội còn được chiêm ngưỡng ngôi chùa Một Cột thanh thoát như đóa hoa sen. Đây là một di sản độc đáo, có một không hai, mang đặc trưng kiến trúc thời Lý. Sự độc đáo trong kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông), ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: Lòng nhân ái soi tỏ thế gian. Khối kiến trúc gỗ đá được phù trợ bởi cảnh quan, có ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh lịch. Di sản này luôn thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách khi đến với Hà Nội.
Những người yêu Hà Nội còn biết đến mảnh đất này sở hữu ngôi trường đại học lâu đời nhất Việt Nam - Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Văn Miếu được xây dựng tháng 10 năm 1070, thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Năm 1076, nhà Quốc Tử Giám được xây kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả các học trò giỏi trong thiên hạ. Đây chính là biểu tượng của nền học vấn quốc gia, truyền thống hiếu học, thái độ trân trọng, tôn vinh người hiền tài của dân tộc.

Hà Nội còn đẹp nữa với khu phố cổ - nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội băm sáu phố phường” thuở xưa. Những tên gọi Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Hàng Chuối… không giản đơn chỉ là tên phố mà ẩn sau mỗi tên gọi là một nghề thủ công đặc sắc, một hoài niệm của lịch sử. Hà Nội còn có hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, Tháp Bút, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn lung linh bóng nước đã đi vào sử sách, thơ ca… Và còn rất nhiều, rất nhiều những di tích lịch sử, những ngôi chùa, ngôi đình, những cổng làng… đã tạo nên một quần thể các di sản văn hóa vật thể đặc sắc ở cả vùng nội và ngoại thành.

Đúng như đánh giá của PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội là thành phố di sản văn hóa có thể sánh với nhiều thành phố nổi tiếng khác trên thế giới. Còn theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các loại hình di sản chính là tài nguyên quý giá, nguồn lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Hà Nội.

Nỗi lo bảo tồn

Nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được những thành tựu nổi bật. Kết quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã góp phần khơi dậy tiềm năng của di tích, tạo cơ sở cho phát triển du lịch, đồng thời phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục lịch sử, văn hóa, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Song, với một thành phố ở bất cứ nơi đâu, người ta cũng có thể chạm vào quá khứ, thì việc bảo tồn hài hòa với sự phát triển đang trở thành bài toán của việc giữ gìn di sản. Dân số Hà Nội vào thời điểm hiện tại là hơn 8 triệu người, chưa kể vài triệu người sinh sống vãng lai. Nhu cầu phát triển là rất lớn, khi không gian đô thị ngày càng trở nên chật hẹp. Ðã có ý kiến di sản phải "nhường chỗ" cho sự phát triển, như đề xuất san đường đê La Thành để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông; hay lấp bỏ đàn Xã Tắc tại ngã 5 Ô Chợ Dừa để tạo nên trục giao thông lớn, với những cây cầu vượt và hầm đường bộ để giải tỏa cho điểm nóng giao thông vào những giờ cao điểm ở khu vực này.
“Nhưng, chính quyền TP Hà Nội đã không đánh đổi. Dẫu chỉ là phế tích của tòa thành xưa, thì những gì cha ông để lại đều rất đáng trân quý. Cách đây ít năm, việc thi công nút giao cắt với đường Hoàng Hoa Thám phát lộ những dấu tích khảo cổ, thành phố đã đình chỉ thi công để các nhà khoa học định rõ giá trị. Cách hành xử với những di sản chưa được “đóng dấu” là di tích, di sản chính thức, giúp cho chúng ta hiểu thêm về những chính sách văn hóa đối với các di sản, di tích được công nhận ở tầm nhân loại, hay quốc gia như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành cổ Cổ Loa, chùa Tây Phương, chùa Thầy...” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ.

Tuy vậy, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những hạn chế nhất định. Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: Hiện vẫn còn hơn 700 di tích xuống cấp trầm trọng, 900 di tích khác tuy mức độ xuống cấp chưa nghiêm trọng nhưng rất cần được tu bổ... Hàng năm, Hà Nội đều dành nguồn ngân sách để bảo tồn, chống xuống cấp các di tích.
Tuy nhiên, với kho tàng di sản đồ sộ, chất liệu chủ yếu bằng gỗ nên rất nhiều ngôi đình, chùa tồn tại đến gần nửa thế kỷ, được xếp hạng di tích quốc gia… nhưng đang kêu cứu. Người dân địa phương nhìn di sản của cha ông để lại mỗi ngày một sụt, lún, đứt, gãy mà không có cách nào chống đỡ đã không khỏi xót xa. Đây chính là nỗi lo trong việc giữ gìn và bảo tồn kho tàng di sản hàng nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.

"Hà Nội đã có những giải pháp vừa giữ gìn, vừa phát huy được giá trị di tích dưới các hình thức bảo tồn phù hợp, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện của không gian đô thị.

Ví dụ như tại Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, chúng ta vừa bảo tồn được tại chỗ các hố khai quật và các tài liệu hiện vật khai quật được để giới thiệu với công chúng như là một “bảo tàng ngoài trời” - “một công viên lịch sử - văn hóa” để phục vụ công tác nghiên cứu và thu hút khách tham quan du lịch, lại xây dựng được Nhà Quốc hội trong Khu Trung tâm chính trị Ba Đình lịch sử. Hay khu di tích Đàn Xã Tắc, sau khi hiện vật được đưa về bảo tàng trưng bày, phủ lớp vải địa kỹ thuật lên toàn bộ mặt bằng hố khai quật đã được triển khai làm đường giao thông…

Tuy nhiên, Hà Nội cũng còn gặp phải rất nhiều vấn đề trong quá trình bảo tồn di tích. Đó không chỉ là bài toán xung đột giữa bảo tồn và phát triển mà còn là vấn đề thấu hiểu hết giá trị di sản để có cách ứng xử, đầu tư gìn giữ cho phù hợp." - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia - GS.TSKH Lưu Trần Tiêu


"Số lượng di tích đồ sộ, nhưng kết quả nghiên cứu xếp hạng di tích chưa tương xứng, còn trên 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Hà Nội đã cố gắng tối đa trong việc huy động các nguồn lực cho việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được." - Nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động bày tỏ trong Hội thảo bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Thủ đô năm 2020


"Hà Nội quyến rũ hơn so với những thành phố khác trên thế giới mà tôi từng đi qua, đó chính là các di sản văn hóa đồ sộ, hàm chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, đậm tính nhân văn. Vẻ đẹp của các di sản đó được phân bổ trong một vùng rộng lớn, có thể là vùng lõi trung tâm, nhưng cũng xuất hiện nhiều ở khu vực ngoại thành. Đi và khám phá di tích Hà Nội sẽ cần cả quãng thời gian dài mới, nhưng càng đi sẽ càng thấy thú vị vì mỗi di tích là một câu chuyện, một sắc thái kiến trúc khác nhau. Những điều đó khiến chúng tôi thêm yêu, thêm quý Hà Nội." - Tom Hiddleston - du khách người Anh làm việc lâu năm tại Hà Nội

(còn nữa)