Cựu giới chức quốc phòng Mỹ lưu ý động thái đặc biệt của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Mỹ sẽ không để Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn Biển Đông".

Trao đổi với báo giới Việt Nam ngày 23/8, ông Elbridge Colby, nguyên phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chiến lược và Phát triển Lực lượng khẳng định, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực trước sự “lấn át” của Trung Quốc trên Biển Đông.  

 Ông Elbridge Colby, nguyên phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chiến lược và Phát triển Lực lượng

Với tư cách chuyên gia chiến lược, ông nhận định động thái Trung Quốc điều tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông thời gian qua như thế nào?

Đây là vấn đề đặc biệt quan ngại mà Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra tuyên bố rất phù hợp trong bối cảnh này. Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “cắt lát salami” hay còn gọi là chiến lược “tằm ăn dâu”, áp dụng đối với Việt Nam và Philippines.

Về phần chính phủ Mỹ đã có hai động thái trước tình hình này: Thứ nhất, chính phủ Mỹ đã lên tiếng ủng hộ về mặt chính trị đối với lập trường của Việt Nam trên Biển Đông. Thứ hai, Mỹ đã giúp nâng cao năng lực để Việt Nam có thể tự bảo vệ cũng như khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.

Vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này?

Về chiến lược của Trung Quốc, tôi có hai phỏng đoán. Thứ nhất, Bắc Kinh có thể muốn gây sức ép lên Việt Nam để ngăn Việt Nam tiến gần hơn với Mỹ. Thứ hai, Trong bối cảnh biến động ở Hong Kong, Trung Quốc cũng có thể tạo một câu chuyện khác để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Điều đặc biệt ở lần này là Trung Quốc nhằm vào hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, chọn gây sức ép lên một liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Nga. Moscow có thể không vừa lòng trước việc này.

Ông cũng đồng sáng lập và là giám đốc của The Marathon Initiative, một sáng kiến ​​mới tập trung vào việc thúc đẩy tư duy và chính sách về cạnh tranh đại cường cho Mỹ và các đồng minh và đối tác.

Trung Quốc đang triển khai các hoạt động xây đảo nhân tạo trên Biển Đông. Có lo ngại nguy cơ nước này sẽ thông qua việc này hoặc sử dụng vũ lực để kiểm soát toàn bộ vùng biển này, ông có nhận định ra sao?

Mỹ sẽ không để Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn Biển Đông thông qua các đảo nhân tạo. Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo vi phạm cam kết với chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây, sử dụng việc này đe dọa Việt Nam và Philippines.

Mỹ sẽ ủng hộ nếu Việt Nam và Philippines kiên quyết với tuyên bố chủ quyền của mình và Việt Nam không cần cảm thấy bị đe dọa khi bảo vệ chính nghĩa.

Nếu Mỹ kiên trì và kiên định lập trường, trong khi Việt Nam và Philippines cũng như vậy thì Trung Quốc sẽ phải tính toán và khó kiểm soát được toàn bộ Biển Đông. Hiện Trung Quốc đang tận dụng điểm yếu để gây sức ép với Việt Nam và Philippines ở dưới ngưỡng Mỹ có thể can dự. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ để Việt Nam mạnh mẽ hơn. Việc đầu tiên các bạn cần làm là bảo vệ và khẳng định chủ quyền của mình.

Trong trao đổi trước đây, ông từng cho rằng các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) chưa hiệu quả lắm và có thể Chính phủ Mỹ cần có những hoạt động mạnh mẽ hơn như công nhận chủ quyền của các nước ở Biển Đông. Theo ông, việc Mỹ hỗ trợ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông có đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ công nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông?

Tôi cho rằng việc Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra Biển Đông ở khu vực dù rất tốt nhưng chưa đủ để đem lại sự thay đổi trong tính toán của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn tiếp tục lợi dụng những kẽ hở đó bằng những hoạt động cụ thể trên Biển Đông. Rõ ràng Mỹ phải thực hiện những biện pháp khác và phải làm nhiều hơn nữa trước thực tế đó.

Mỹ có thể thực hiện những động thái mạnh mẽ hơn bằng cách công nhận việc khẳng định chủ quyền của các nước như Việt Nam, Philippines... Đây là quan điểm cá nhân tôi, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào từ chính quyền Mỹ sẽ làm điều đó, song đây là điều nên cân nhắc.

Điều quan trọng nhất là phải cho Trung Quốc thấy rằng việc leo thang là ý tưởng không tốt. Tôi cho rằng vấn đề “vùng xám” trước hết phải giải quyết bởi chính các quốc gia trong khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Trong tuyên bố mới đưa ra hôm 22/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định: "Mỹ lo ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung Quốc, bao gồm Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển".

Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở nam Biển Đông từ đầu tháng 7 và rút đi hôm 7/8. Tuy nhiên, nhóm tàu này đã quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam ngày 13/8. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm qua cũng cho biết Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, yêu cầu rút tàu và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần