Cứu Hồ Tây khỏi cảnh bị “băm nát”

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - KTS Trần Huy Ánh đánh giá Hồ Tây và không gian xung quanh sở hữu trầm tích văn hóa lớn. Tuy nhiên, một khoảng thời gian hướng phát triển quy hoạch thiên về mục đích kinh tế, nên nhiều khách sạn, tổ hợp nhà cao tầng đón hướng hồ “mọc lên như nấm”. Hiện nay, Hà Nội đang manh nha những việc làm, ý tưởng sống lại không gian này cho cộng đồng.

 
Hà Nội đang mong muốn giảm tải không gian cho Hồ Gươm, mở thêm các không gian văn hóa, trong đó có Hồ Tây, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân và thu hút khách du lịch. Ông đánh giá thế nào về thực trạng không gian Hồ Tây?
- Hà Nội là TP sông hồ, đây là niềm kiêu hãnh của Thủ đô. Từ thời Pháp thuộc, các KTS khi phác thảo Hà Nội luôn nhấn mạnh nét vẽ Hồ Tây và Hồ Gươm. Đến nay, Hồ Gươm đã có một không gian văn hóa đáng thưởng thức, với kiến trúc cảnh quan và hoạt động văn hóa cuốn hút không chỉ người dân trong nước mà cả du khách quốc tế. Hồ Tây có diện tích lớn hơn Hồ Gươm rất nhiều lần, sở hữu trầm tích văn hóa lớn, nhưng lại không phát huy được giá trị. Có một thời kỳ, hướng phát triển quy hoạch của Hồ Tây đi sâu vào mục đích kinh tế khiến nơi đây mọc lên tổ hợp các nhà cao tầng, khách sạn đón hướng hồ.
Thời gian gần đây, Hà Nội đề ra các ý tưởng xây dựng phố đi bộ Trịnh Công Sơn, hoặc mở ra các hoạt động như: Lễ hội bơi chải thuyền rồng, Lễ hội hoa hồng Bulgaria và bạn bè… bên Hồ Tây. Tất cả đều nhằm tạo ra một không gian mới hấp dẫn du khách. Cách lấy lại không gian chung, trả lại cho cái chung là cách quản trị rất khôn ngoan của TP. Nó không chỉ giúp phục vụ nhu cầu của người dân mà còn có thể sinh lời từ hoạt động văn hóa.

Trong mục tiêu tạo ra không gian cho Hồ Tây, quận Tây Hồ từng mong muốn xây dựng phố đi bộ Trịnh Công Sơn, nhưng sau rất nhiều lần trì hoãn, dự án này vẫn chưa thể thực hiện. Theo ông, nguyên nhân chậm trễ của dự án là do đâu?

- Xây dựng tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn là ý tưởng tốt, nhưng đã không thành công. Khi thực hiện ý tưởng nếu tổ chức lấy ý kiến quanh con phố, đặt mục tiêu sinh hoạt cộng đồng lên trên chắc chắn sẽ thành công. Nhưng ở trường hợp này, người ta đã biến phố đi bộ thành chợ đi bộ ven hồ, với các ki-ốt bán hàng, nên thất bại ngay từ khi mới bắt đầu.

Theo ông, hiện nay Hồ Tây còn có tiềm năng để phát triển không gian, mở ra các hoạt động văn hóa phục vụ cộng đồng hay không?

- Tất cả những việc làm mới đây của Hà Nội mới chỉ là bước đầu cho những ý tưởng đánh thức không gian văn hóa. Nơi đây còn có rất nhiều việc, từ cải tạo lòng hồ, kè ven hồ, tạo cảnh quanh cây xanh cho đến quy hoạch hệ thống đô thị xung quanh. Đây là lúc cần các chuyên gia văn hóa, kiến trúc sư, nhà quản lý… chụm đầu nhận diện những tồn tại, đóng góp ý tưởng tốt hơn trong sinh hoạt cộng đồng Hà Nội. 17km quanh Hồ Tây dày đặc các trầm tĩnh lịch sử, từ chùa Võng Thị, chùa Trấn Quốc, đình Quảng Bá, Nghi Tàm đình Yên Phụ, đến hệ thống làng cổ. Tất cả đều gắn với di tích, gắn với câu chuyện lịch sử. Hồ Tây còn nhiều nơi có thể tận dụng làm không gian trống để mở ra các hoạt động văn hóa. Tôi nghĩ xây dựng lại không gian văn hóa cho Hồ Tây cần lấy bài học thành công từ phố đi bô Hồ Gươm, không gian bích họa của phố Phùng Hưng làm thực tế để nhận diện.

Ông có nghĩ rằng, nếu quy hoạch tổng thể bài bản, không gian Hồ Tây có thể thay đổi nhanh chóng?

- Tôi không mơ có cây đũa thần thay đổi một sự việc trong chốc lát. Nhưng với ý tưởng mới, cái chung trả về cái của chung, văn hóa trả về văn hóa như Hà Nội đang làm hiện nay là đáng để khích lệ. Hiệu quả đạt được đến đâu còn cả quá trình đóng góp và xây dựng.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần