Cứu nạn 16 công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 quá khó khăn

Quang Hải - Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/10, lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp tục triển khai các phương án tìm kiếm 16 công nhân đang còn mất tích trong vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3. Tuy nhiên, công tác cứu nạn gặp quá nhiều khó khăn vì điều kiện thời tiết xấu.

Từ đêm qua đến sáng nay, trên địa bàn Thừa Thiên Huế mưa lớn kéo dài. Ghi nhận tại một số con sông, nước dâng cao trở lại. Đối với khu vực rừng núi nơi thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), mưa lớn khiến nguy cơ tiếp tục sạt lở xảy ra rất cao.
Sáng sớm nay, đoàn cứu hộ của tỉnh Thừa Thiên Huế và lực lượng công an tập kết lực lượng để vào thủy điện Rào Trăng 3 tìm kiếm 16 người còn mất tích. Tuy nhiên thời tiết xấu, nước lòng hồ phức tạp, lũ cuốn theo gỗ nhiều nên đoàn chưa thể di chuyển ca nô được.
Lực lượng cứu hộ chưa thể di chuyển bằng đường thủy để vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Hoàng Quân
Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cứu nạn của Quân khu 4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai công tác khắc phục sạt lở, tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 từ tuyến đường 71.
Theo Sở GTVT Thừa Thiên Huế, từ tràn Khe Cát đến Tiểu khu 67 - nơi có trạm kiểm lâm bị vùi lấp, có 9 điểm sạt lở với khối lượng hàng nghìn m3 đất đá đã được lực lượng chức năng xử lý, san gạt xong, đoạn tuyến trên đã thông. Hiện tại, từ Tiểu khu 67 lên Rào Trăng 4 theo đường 71 vẫn còn nhiều điểm sạt lở, nguy cơ núi tiếp tục sạt trượt với các đoạn có dòng nước chảy xiết. Các phương tiện thông tuyến 71 chỉ mới mở đường san gạt lên điểm cách thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 2km.
Đặc biệt, nhiều khối đá lớn đang nằm chênh vênh bên tuyến đường 71. Nếu tiếp tục mưa lớn, sử dụng xe cơ giới san gạt rất có nguy cơ khối đá này sẽ sạt trượt xuống đường, gây nguy hiểm cho đoàn cứu hộ cứu nạn và chia cắt giao thông. Lực lượng cứu hộ cứu nạn đang nghiên cứu phương án, cân nhắc có thể sử dụng thuốc nổ để xử lý khối đá này.
Hiện đường vào thủy điện Rào Trăng 3 đang được nỗ lực thông tuyến. 
Sáng 16/10, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo Quân khu 4 và các lực lượng liên quan đã có cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ 16 công nhân đang mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.
Trong những ngày tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung mọi nỗ lực, phối hợp với các lực lượng khơi thông tuyến đường lên Rào Trăng 3 phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Tiếp tục duy trì hoạt động của Sở Chỉ huy tiền phương với lực lượng nòng cốt của Quân khu 4 và của tỉnh để triển khai cứu hộ cứu nạn giai đoạn 2.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu xây dựng phương án tốt nhất để cứu hộ cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” theo hướng an toàn cao cho lực lượng cứu hộ; nắm chắc diễn biến về thời tiết; báo cáo vị trí cứu hộ cứu nạn chính xác tuyệt đối; gia cố tuyến đường 71 đảm bảo an toàn.
Hiện trường sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3.
"Đề nghị có hệ thống hậu cần tốt về điện, lương thực, phương tiện; đảm bảo thông tin liên lạc điều hành cứu hộ cứu nạn. Trung ương sẽ tăng cường phương tiện, lực lượng cho tỉnh. Ngoài lực lượng chủ lực và lực lượng phối hợp, cử các công nhân thông thạo địa hình, địa vật hỗ trợ lực lượng cứu hộ cứu nạn", Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Tiếp sau đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 6 đến 13/10 khiến mực nước có nơi vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo sẽ có đợt mưa lớn trên diện rộng từ ngày 16 đến 19/10. Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn.
Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc họp bàn về công tác tang lễ cho 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong công tác cứu hộ cứu nạn.