Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Cứu ngành mía đường khỏi nguy cơ bị bức tử] Bài 3: Đường nhập lậu tràn lan vì lỗ hổng chính sách

Bá Trường – Phạm Hùng – Ngọc Huân – Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 5/2019 đến nay, Hiệp hội mía đường Việt Nam (HHMĐVN) đã có 3 báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền kiến nghị tháo gỡ khó khăn đặc biệt nghiêm trọng của ngành mía đường Việt Nam. Báo cáo đã chỉ ra thủ phạm đẩy ngành mía đường vào cảnh khó khăn, đẩy hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng mía vào cảnh thua lỗ chồng chất là do tình trạng nhập lậu đường.

Nhiều cánh đồng ở Tây Ninh vụ trước còn trồng mía thì nay đã bỏ hoang vì thua lỗ. Ảnh: Ngọc Huân
Mỗi năm nhập lậu gần 1 triệu tấn đường
Theo HHMĐVN đang có tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn và kéo dài của hệ thống buôn lậu đường qua biên giới và gian lận thương mại.
Hoạt động nhập lậu, gian lận thương mại đường được chính thức ghi nhận lần đầu vào năm 1999 và tiếp diễn đến thời điểm hiện tại. Nếu như trước đây con số này chỉ từ 100.000 – 350.000 tấn năm thì từ vụ 2015 - 2016 đường lậu và gian lận thương mại xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan với quy mô lớn, qua các con đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam với Campuchia và khu vực miền Trung với Lào. Khối lượng nhập ước tính lên đến trên 800.000 tấn/năm. Tình trạng nhập lậu đường diễn biến ngày càng phức tạp, hoạt động công khai, số lượng lớn, chưa được kiểm soát có nguy cơ hủy diệt ngành mía đường trong nước.
Trong khi những khó khăn từ đường nhập lậu, đường gian lận thương mại chưa được giải quyết thì sắp tới 1/1/2020 sẽ chính thức thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Viết tắt ATIGA) về xóa bỏ thuế quan. Các DN mía đường, người nông dân trồng mía sẽ tiếp tục gặp khó khăn nghiêm trọng hơn, nhiều nhà máy có nguy cơ phá sản và đóng cửa.
Như vậy, sẽ tác động trực tiếp đến 36 NMĐ đang hoạt động, 33 vạn hộ nông dân (gần 1,5 triệu nông dân), 35 vạn công nhân công nghiệp chế biến. Đặc biệt, đối với 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày sẽ phá sản và đóng cửa... ước thiệt hại 10.000 tỷ đồng.
Cũng theo HHMĐVN: “Buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu cùng với hệ thống quản lý kém hiệu quả và quy định pháp lý bất cập đã khiến cho gian lận thương mại mặc sức hoành hành, đến nay đã hầu như không thể khống chế được. Việc nhập lậu đường và gian lận thương mại là tác nhân chính đã xóa bỏ mọi nỗ lực chuẩn bị hội nhập của DN đường và nông dân trồng mía.
Một nguyên nhân khác, theo HHMĐVN bất cập trong quản lý đường nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái sản xuất xuất khẩu đã liên tục nhiều năm gây khốn khổ cho các nhà máy đường (NMĐ) và người nông dân trồng mía. Tình trạng này cũng gia tăng từ khi có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế (Luật Thuế năm 2016), nếu trước đây hàng hoá kinh doanh tạm nhập, tái xuất là đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu thì theo Luật Thuế năm 2016 đây là đối tượng được miễn thuế.
Người trồng mía lao đao, nhà máy đường lo đóng cửa
Để giải quyết căn cơ những khó khăn của ngành mía đường, theo HHMĐVN cần có những giải pháp căn cơ, trước tiên đề nghị Chính phủ điều chỉnh các quy định quản lý về xuất nhập khẩu đường. Điều chỉnh quy định xuất khẩu tiểu ngạch đường qua biên giới, chỉ cho phép xuất những loại đường sản xuất từ 100% nguyên liệu mía trong nước, không cho phép xuất khẩu tiểu ngạch các loại đường có nguồn gốc nước ngoài như đường tạm nhập tái xuất, đường sản xuất xuất khẩu (nhập đường thô, sản xuất đường tinh luyện xuất khẩu). Siết chặt quản lý đường nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất bằng cách áp thuế ngoài hạn ngạch và là đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu. Siết chặt quản lý đường nhập khẩu theo hình thức sản xuất xuất khẩu bằng cách quy định thời gian tái xuất 275 ngày, phải nộp thuế ngoài hạn ngạch khi nhập khẩu và là đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu.
Quyền Tổng Thư ký HHMĐ VN Nguyễn Văn Lộc chia sẻ, hiện tại có nhiều bất cập trong các chính sách khiến ngành mía đường Việt Nam có nguy cơ chết đứng trên sân nhà, Chương trình 1 triệu tấn đường của Việt Nam bị phá sản dù nhiều năm qua ngành mía đường đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng để thay thiết bị, công nghệ hiện đại. Đầu tiên và thể hiện rõ nhất trong quản lý chất làm ngọt (sweetener), trong đó có đường lỏng HFCS. Hiện nay Việt Nam không áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, đồng thời đường lỏng lại được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% trong các Hiệp định ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA). Chính vì thuế suất 0%, không áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, vì vậy đường lỏng HFCS nhập vào Việt Nam gia tăng chóng mặt. Năm 2014 chỉ nhập 46.000 tấn, nhưng năm 2018 tăng gấp 3 lần (148.000 tấn). Điều này không những làm Nhà nước thất thu thuế, còn gây khó thêm cho nông dân và thu hẹp thị trường tiêu thụ đường nội địa của NMĐ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nước giải khát.
UBND tỉnh Phú Yên, trong văn bản gửi đến Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT ngày 21/6/2019 kiến nghị, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ ngành đường, như: Áp thuế nhập khẩu và quản lý, kiểm soát hàm lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các chất tạo ngọt được phép sử dụng thay thế sản phẩm đường trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Cần nâng giá mua điện từ các nhà máy điện đồng phát lên bằng giá điện sinh khối. Đưa giá ethanol dùng phối trộn nhiên liệu sinh học vào quản lý như giá xăng dầu…
Bộ NN&PTNT sớm đề xuất Chính phủ xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ ngành mía đường để đảm bảo hành lang pháp lý, hỗ trợ kịp thời cho các DN chế biến mía đường. Phát triển các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng cơ giới hóa trong khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch mía nhằm hạ giá thành sản phẩm; Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện cho các DN sản xuất mía đường được tiếp cận các nguồn vốn, giảm lãi vay vốn lưu động cũng như vốn đầu tư các dự án cho ngành mía đường.
Giảm thuế GTGT đối với mặt hàng đường từ 5% xuống 0% (trong thời điểm sản lượng đường tồn kho lớn như hiện nay). Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện việc duy trì hiệu quả các hàng rào kỹ thuật hợp lý, đa dạng hóa các tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng đường. Tăng cường kiểm tra kiểm soát tình trạng tạm nhập tái xuất, ngăn chặn tình trạng nhập đường lậu…
(Còn nữa)

Luật sư Trương Nguyễn Công Nhân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Nhân Việt, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: Phải kiểm soát chặt 

Theo Khoản 1 Điều 23 Hiệp định ATIGA, “Trong những hoàn cảnh đặc biệt ngoài quy định trong Điều 86 (Tự vệ), Điều 10 (BOP), và Điều 24 (Xử lý Nghị định thư về Gạo và Đường) khi một quốc gia thành viên gặp phải những khó khăn không lường trước khi thực hiện các cam kết thuế, quốc gia thành viên đó có thể yêu cầu tạm thời sửa đổi hoặc ngừng cam kết trong lộ trình cam kết trong Điều 19 (Cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan)”. Như vậy, trường hợp này Chính phủ có thể đề nghị hoãn thời điểm hiệu lực của Hiệp định ATIGA đối với ngành mía đường.

Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 23 Hiệp dịnh ATIGA, thì đề xuất hoãn phải được gửi đến Hội đồng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN ít nhất 180 ngày trước ngày mà việc tạm thời sửa đổi hoặc dừng thực hiện các cam kết có hiệu lực. Do vậy, thời điểm này rất khó để thực hiện thủ tục đề nghị hoãn thời điểm hiệu lực Hiệp định như đã cam kết. Năm 2016, VSSA đã từng đề nghị gia hạn Hiệp định này vào ngày 1/1/2020 và được chấp thuận, thay vì có hiệu lực vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn đâu vào đấy, thậm chí là còn thấy “xấu” hơn trước.

Chính vì thế nếu không có biện pháp xử lý đường nhập lậu tràn lan, chính sách “tạm nhập tái xuất” hầu như bị thả nổi, không có chiến lược phát triển ngành mía đường hợp lý… cho dù có gia hạn bao nhiêu lần thì tình hình vẫn rất khó khăn đối với DN mía đường và hàng triệu người nông dân trồng mía.