Cứu những trái tim lỗi nhịp

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có những gia đình muốn buông xuôi tất cả khi con của họ vừa sinh ra nhưng bác sĩ lắc đầu “không thể cứu”.

May mắn, họ đã gặp được TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư. Những chuyến xe cấp cứu trong đêm, những cuộc hội chẩn khẩn cấp, những ca mổ ngay trên bàn cấp cứu… người bác sĩ ấy đã “vá” những trái tim lỗi nhịp, cứu cuộc đời trẻ thơ.
Lời từ trái tim

Sau hơn 3 năm với bao nỗ lực chạy chữa, cặp vợ chồng trẻ Nguyễn A.H. (Lạng Giang, Bắc Giang) hạnh phúc khôn tả khi nhận được tin vui: Một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần lên trong cơ thể chị. Nhưng khi thai 19 tuần tuổi, vợ chồng chị bàng hoàng biết tin, tim thai nhi mang căn bệnh quái ác Fallot 4. “Có lẽ đó là cái Tết kinh khủng nhất từ trước tới nay. 26 Tết, hai vợ chồng chẳng về quê, mà lang thang đưa nhau đi siêu âm hội chẩn khắp các bệnh viện, phòng khám lớn ở Hà Nội, chỉ mong sao “chẩn đoán nhầm”” - chị H. tâm sự. Đã có lúc, chị lo sợ khi nghĩ đến tình huống xấu nhất là từ bỏ và chấp nhận. Nhưng thật may mắn, H. được người quen cho số điện thoại của bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường. Chị nhớ lại: “Lần đầu run run nhắn tin, ngập ngừng tới vài chục lần mới dám gửi, không ngờ bác trả lời ngay. Lời giải thích tư vấn giản dị, ngắn gọn mà đầy nhân văn ngày ấy đã cho em quyết tâm, niềm tin đưa em bé đến với cuộc đời này”.

H. đã đặt cược số phận mình và cuộc đời con khi quyết tâm giữ lại thai nhi. Sinh con ra, ngay lập tức bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi T.Ư. “Mình hiểu cái cảm giác khi bác sĩ lắc đầu rồi quay đi, có người còn phũ phàng hỏi thẳng "sao siêu âm biết thế mà còn đẻ" nhưng kệ”, bởi chị có niềm tin tuyệt đối rằng “bác sĩ Trường sẽ là người cứu cuộc đời con”. Và rồi, niềm vui đã đến, hi vọng bừng lên khi ca phẫu thuật thành công do chính bác sĩ Trường thực hiện. Hiện bé đang được theo dõi tại Trung tâm Tim mạch trẻ em, BV Nhi T.Ư, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Có lẽ hiếm có bác sĩ nào, trang facebook luôn “nóng” như “phây” của bác sĩ Trường bởi thường xuyên nhận được những lời cảm ơn từ người nhà bệnh nhi. Đó là những ông bố, bà mẹ có con từng được anh phẫu thuật, nhưng họ chưa một lần gặp mặt để nói lời cảm ơn. Đó là hình ảnh những em bé bụ bẫm, đáng yêu sau khi được anh hồi sinh từ trái tim lỗi nhịp mà các bố, các mẹ chia sẻ thay lời cảm ơn.

Có những bệnh nhi mà đồng nghiệp lắc đầu, nhưng anh không từ chối, mà tận tâm cứu chữa, thành công đến từ đôi bàn tay khéo léo, tấm lòng nhân ái, bao dung. Chị Linh Hương (Thanh Hóa) kể câu chuyện đầy xúc động, rằng chị cũng từng mang thai, khi thai 26 tuần thì phát hiện tim thai có vấn đề, nhưng chị vẫn quyết tâm giữ thai. Bé sinh ra, nhiều bác sĩ tim mạch hội chẩn lắc đầu “không thể cứu”, nhưng may mắn có số điện thoại của bác sĩ Trường, chị gọi điện xin tư vấn. “Sao lời bác sĩ nói ấm lòng đến thế, bác sĩ không lắc đầu nói rằng, bệnh của con nặng khó chữa, mà động viên gia đình yên tâm, bác sĩ sẽ cố hết sức” - chị Hương chia sẻ.

Không chùn bước

Gặp Trường, anh say sưa nói về nghề nhưng không nói về mình. Tính anh là vậy, luôn khiêm tốn dù những thành công làm nức lòng giới y khoa. Mới đây, một bệnh nhi tại Hà Nội, khi chào đời chỉ nặng 1,7 kg, ngay sau mổ đẻ, cơ thể bé tím tái, bão hòa ôxy chỉ dao động 15 - 20% (thông thường đạt 90 - 95%), xuất hiện tình trạng sốc tim. Tiên lượng tỷ lệ tử vong lên tới 80 - 90%.

Với trẻ sinh non, nhẹ cân, lại trên nền bệnh lý phức tạp bởi 5 tổn thương về tim khiến bác sĩ vô cùng lo lắng. Để phẫu thuật tim cho em bé “tí hon” và yếu ớt này là một quyết định cân não của bác sĩ, dù trước đó anh đã thực hiện hàng trăm trường hợp chuyển gốc động mạch, thậm chí đã thành công với ca bệnh nhẹ cân hơn. Không còn sự lựa chọn nào khác, quyết định khó khăn nhất được thực hiện, đưa bệnh nhi lên bàn mổ. Ca phẫu thuật phức tạp kéo dài suốt 10 giờ, người nhà bệnh nhi như ngồi trên đống lửa, không ai nói với ai lời nào mà chỉ cầu nguyện. Còn các bác sĩ, đã có lúc tưởng muốn “chùn chân mỏi gối” nhưng rồi ai cũng nỗ lực hết mình cứu bệnh nhi. Cơ thể quá bé, trái tim nhỏ xíu, mạch máu li ti, suốt quá trình phẫu thuật, bác sĩ phải dùng đến kính lúp phóng to hình ảnh lên gấp 4 lần. Chỉ sơ sẩy một chút, mọi nguy cơ có thể xảy ra. Và trời đã không phụ công lòng người, ca mổ thành công ngoài mong đợi.

Ngoài những công việc tất bật ở Trung tâm, nhưng ngày cuối tuần, thay vì nghỉ ngơi bên gia đình, bác sĩ Trường lại cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm đi tỉnh thực hiện những đợt khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho trẻ em. Nhờ chương trình “Trái tim cho em”, mỗi đợt khám, hàng nghìn em bé được sàng lọc, hàng trăm trẻ có chỉ định phẫu thuật.

Nỗi niềm trăn trở

Theo bác sĩ Trường, đến nay, gần như những kỹ thuật khó nhất của thế giới, Trung tâm Tim mạch trẻ em đều có thể “làm ngon”. Tại đây, mỗi năm phẫu thuật khoảng 1.300 ca, trong đó 1.000 ca tim hở, gần 300 ca tim sơ sinh. Một nửa số bệnh nhi mắc tim bẩm sinh ở mức độ trung bình và nặng. Anh khẳng định “bệnh tim không đáng sợ, kể cả là bệnh phức tạp”. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 95% bệnh tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống bình thường. Nhưng điều anh trăn trở, băn khoăn, là với khoảng 12.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam mỗi năm, chỉ có khoảng 50% trẻ được phát hiện và điều trị, số còn lại hầu như không biết mình mắc bệnh, thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh.

Người ta thường ví tim mạch là bệnh của nhà giàu, bởi kinh phí phẫu thuật khá cao, nhưng oái oăm thay, bệnh lại thường rơi vào nhà nghèo. Nghe lời chia sẻ của BS Trường mà thấy nhói lòng. Có những gia đình dân tộc thiểu số, ở tận vùng núi cao, ôm đứa con xanh xao, còi cọc, không có gì ngoài đứa con trao tay bác sĩ, ánh mắt nhìn như cầu khẩn, van lơn. Có những trường hợp hiếm muộn, cưới nhau 5 - 10 năm mới mang thai, dù phát hiện thai nhi không bình thường, nhưng họ vẫn muốn được sinh con. Có những người mẹ, người bố nhìn con lặng lẽ khóc thầm hằng đêm, cầu mong phép màu để con được ở lại thế gian. Đối mặt với những trường hợp ấy, bên những trái tim non nhịp đập yếu ớt, có ai nỡ buông bỏ khi cơ hội sống của các bé vẫn còn, dù chỉ một chút hi vọng nhỏ nhoi. Với những bác sĩ ấy, họ đã có những bữa trưa ăn vội lúc 2 giờ chiều, bữa tối lúc 10 giờ đêm, có những bữa sáng không kịp ăn. Bác sĩ Trường cho biết, phẫu thuật cấp cứu bệnh nhi tim mạch, thời gian được tính bằng vàng, nhiều khi chỉ chậm 1 - 2 phút là đánh đổi mạng sống bệnh nhân. Vậy nên, chuyện bác sĩ mới về đến nhà, lập tức phải quay vào BV mổ cấp cứu, có bữa ăn phải bỏ dở, có cuộc vui phải dừng giữa chừng… là bình thường.

Chia tay anh, lại hình dung những trái tim non nớt đang thoi thóp chờ anh trong phòng mổ và cả những trái tim mang bệnh nhưng đang bị bỏ sót trong cộng đồng. Muốn mượn lời một người mẹ trẻ viết lên facebook của anh: “Còn rất nhiều niềm tin cần được gửi gắm và trông chờ vào tài năng và tấm lòng của bác sĩ. Mong anh giữ gìn sức khỏe để trán bớt nhăn, tóc bớt bạc và cười thật tươi. Cuộc đời cần lắm một vị lương y có tài, có tâm, có tầm và có tình như anh”. Và một người mẹ khác: “Cách bác sĩ nhìn con, khám cho con rồi vuốt nhẹ sợi tóc rơi trên má con, em biết, bác sĩ sẽ cứu con em”... Niềm tin ấy có thật!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần